Bamboo Airways: Cảm hứng bay từ lũy tre nghèo
Cảm hứng bay từ lũy tre nghèo
Xuất thân từ một gia đình nghèo sau lũy tre làng và sớm phải lăn lộn vào trường đời, năm nay 43 tuổi, ông Trịnh Văn Quyết đã bước vào con đường kinh doanh của mình từ một khởi đầu rất khó khăn, thậm chí từng chỉ mong trở thành một công chức Nhà nước, có việc làm ổn định.
Từ công việc đầu tiên là phụ việc ở cửa hàng tạp hóa cho gia đình, giờ đây ông Quyết đã là người đứng đầu FLC, một “đế chế” bất động sản bao gồm các khu nghỉ dưỡng cao cấp và sân golf.
Tại thời điểm khi Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu cải cách thị trường, người thanh niên bắt đầu chuyến bay đầu tiên ở tuổi 17 từ TP.HCM về Hà Nội, mang theo đồ điện tử, máy nghe nhạc CD để bán.
Sinh ra ở Vĩnh Phúc, ông lớn lên trong bóng mát của những lũy tre, thứ hoài niệm ấu thơ đã truyền cảm hứng cho cái tên Bamboo Airways - hãng hàng không Tre Việt.
Từ 4 năm nay, FLC đã chuẩn bị cho dự án Bamboo Airways, một hãng hàng không mới có mục tiêu cất cánh chuyến bay đầu tiên vào tháng 10 năm nay.
Với vốn đầu tư lớn, sự chuẩn bị nhân sự và dàn máy bay mới, ông Quyết cho biết thêm, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo Bamboo Airways đáp ứng đủ điều kiện để bay.
Bên cạnh những đường bay kết nối các đô thị lớn, Bamboo Airways đặt trọng tâm khai thác các tuyến kết nối các điểm đến du lịch tiềm năng, nơi có các khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu FLC.
Động lực lớn cho hàng không, du lịch
Tại một hội nghị về hàng không và du lịch mới đây tại Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, từ nay đến năm 2020, FLC sẽ phát triển chuỗi các quần thể nghỉ dưỡng trải dọc Việt Nam, trung bình mỗi khu sẽ có từ 1.000-3.000 phòng khách sạn 5 sao.
Cùng với hãng hàng không Bamboo Airways, FLC kỳ vọng sẽ giúp cho du lịch nhiều địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam thêm cất cánh.
Ngoài ra, sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ trong việc biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sẽ là động lực để hãng hàng không mới có thể thành công.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ 5 thế giới về lượt khách hàng/năm trong giai đoạn 2015-2035. Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030.
Tập đoàn FLC đã thực hiện thỏa thuận mua mới 20 chiếc Dreamliner 787-9 của Boeing trị giá 5,6 tỷ USD và chi ra 3,2 tỷ USD để mua mới 24 máy bay Airbus 321neo.
Trong khi chờ giấy phép hàng không từ Chính phủ, Bamboo Airways đang gấp rút chuẩn bị với dự định sẽ khai thác nhiều tuyến nội địa sau chuyến bay đầu tiên dự kiến vào ngày 10/10/2018.
Hãng sẽ có loạt tuyến bay chủ đạo đến những điểm du lịch đang lên tại Việt Nam như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đồng thời phục vụ khách hàng với các tour trọn gói tại các khu nghỉ dưỡng của mình.
Bamboo Airways cũng dự kiến khai thác các tuyến bay dài tới các điểm đến tại châu Á và Bắc Mỹ, như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ...
“Để biết giấc mơ bay của ông Quyết có thể trở thành hiện thực trong ngành công nghiệp hàng không cạnh tranh khốc liệt này không, điều đó đang luôn được cộng đồng dõi theo một cách sát sao”, AFP bình luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo