Bán 9% vốn tại Vinamilk, Nhà nước có ngay 18.000 tỷ đồng
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, cho biết, theo kế hoạch, ngay trong tháng 9 này đơn vị sẽ thực hiện thuê tổ chức tư vấn, chuẩn bị triển khai kế hoạch thoái vốn tại Vinamilk.
Sẽ có tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước tham gia kế hoạch này, theo như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tư vấn tổng thể kế hoạch thoái vốn, xác định giá khởi điểm, các thủ tục pháp lý…
Theo Chủ tịch SCIC, Tổng công ty sẽ thực hiện thoái 9% cổ phần Vinamilk trong đợt bán đầu tiên. Như vậy, Vinamilk sẽ là doanh nghiệp "mở hàng" cho đợt thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn do SCIC quản lý.
Theo lãnh đạo SCIC, cách thức bán vốn tại Vinamilk đang được phía SCIC cân nhắc với các đơn vị tư vấn. Việc bán vốn có thể thực hiện theo lô, chọn lô, chào giá cạnh tranh và giao dịch thỏa thuận ngoài sàn. Điều này theo ông tùy thuộc tình hình thực tế để đạt mức giá cao nhất có thể.
Chủ tịch SCIC cũng khẳng định " Vinamilk là cổ phiếu rất thuận lợi. Chắc chắn không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Mức giá sàn khởi điểm này có thể công bố vào tháng 11 tới.". Hiện SCIC đang nắm 44,7% cổ phần Vinamilk.
Tính chi tiết, với 9% cổ phần, tương ứng 130,6 triệu cổ phiếu. với mức giá hiện tại là 140.000 đồng/CP ( tính tại thời điểm sáng 29/9/2016), nếu bán thành công thì SCIC có thể sẽ thu về khoảng hơn 18.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo SCIC, đợt chào bán này sẽ mở rộng cho tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, có đủ năng lực tài chính, không phân biệt, giới hạn nhà đầu tư tổ chức hay tư nhân… đăng ký mua và trả mức giá cao nhất mà SCIC thu về nhiều nhất.
Về số tiền bán được sẽ được dùng làm gì, lãnh đạo SCIC khẳng định sẽ thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội và luật ngân sách. Cụ thể hơn là đã có kế hoạch trong cân đối khoản 30.000 tỷ để sử dụng cho đầu tư phát triển và xây dựng một số dự án công trình quan trọng. Như Bệnh viện Bạch mai 2, Việt đức 2, Chợ rẫy... có phần lấy từ nguồn thoái vốn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo