Góc nhìn

Huyện Châu Thành (Kiên Giang): Nghi vấn một đường dây "buôn người" ở cảng cá Tắc Cậu

DNVN - Bị chủ tàu cá quỵt tiền công, thu điện thoại, đánh đập dã man trong quá trình đi biển, bốn thanh niên bị lừa lên tàu cá đã trốn thoát tại cảng cá Tắc Cậu. Tố cáo sự việc với Công an huyện Châu Thành thì cả nhóm té ngửa khi Trưởng Công an huyện trả lời đây là “tranh chấp dân sự”, “không có dấu hiệu tội phạm”(?!)

Cần Thơ: Diễn biến bất ngờ liên quan đến vụ án của doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân / Cơ quan tố tụng lúng túng... khi khép tội doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân

Vào khoảng tháng 2/2021, thông qua môi giới trên Facebook được hứa hẹn lương cao, các anh: Đoàn Quang Trung (SN 1986, trú tại 376 khu phố 4, phường Thị Cầu, TP. Bắc Ninh), Đỗ Thanh Hợp (1993, trú tại ấp Long Đinh Khánh, huyện Lai Vung, Đồng Tháp), anh Lê Văn Quý (SN 1993, trú tại xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phúc, An Giang) và Cao Quang (SN 2000, dân tộc RaLang, trú tại xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã lần lượt đến cảng cá cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành để lên tàu cá làm thuê.

Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang.

Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang.

Theo lời kể của anh Đoàn Quang Trung, khi đến cảng cá Tắc Cậu, anh Trung được người môi giới đưa vào ở nhà trọ ở 2 ngày. Sau đó, vào ngày 6/1 Âm lịch (tức 17/2/2021) anh Trung và các anh Hợp, Quý, Quang được môi giới đưa xuống tàu cá CM…99TS do một người tên là Ngộ là thuyền trưởng (các ngư dân làm thuê không nhớ rõ số hiệu tàu và của thuyền trưởng Ngộ - PV).

Khi lên tàu, ông Ngộ hứa hẹn sẽ chuyển khoản cho gia đình mỗi người 20 triệu đồng tiền lương và sau 3 tháng làm việc sẽ có thêm khoản tiền ăn chia. Tàu xuất bến Tắc Cậu qua trạm Kênh Dài, công việc nhóm ngư dân là phụ ghe, lượm mực, lượm tôm, lượm cá…

Thuật lại sự việc với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, khi tàu ra khơi, lúc này ông Ngộ và em trai ông Ngộ lộ mặt của những kẻ "buôn người", bóc lột lao động. Nhóm ngư phủ làm thuê bị ép làm việc 20/24 giờ/ngày, không vâng lời thì bị họ đánh đập dã man bằng tuýp sắt, dây thừng và dùng dao đe dọa tính mạng.

Ngư dân Đoàn Quang Trung thuật lại quá trình lao động khổ sai trên thuyền cá do ông Ngộ làm thuyền trưởng. Nhóm ngư dân làm thuê (từ trái qua phải ảnh): Hợp, Quang, Trung, Quí.

Không những thế, nhóm ngư dân làm thuê còn bị đẩy qua lại giữa các tàu cá. Sau khi hết hợp đồng 3 tháng, ông Ngộ không cho vào bờ mà bắt họ sang tàu số hiệu CM95060TS neo ở ngoài Hòn Chuối. Biết bị lừa, vào khoảng 20 giờ ngày 18/5/2021, nhóm ngư dân rủ nhau nhảy xuống biển tìm cách tẩu thoát. Nhưng đến 17 giờ ngày 19/5/2021, họ bị một tàu khác đến vớt lên, trong tình trạng suy nhược cơ thể và bị trả về tàu CM95060TS.

Một bạn thuyền trên tàu CM95060TS thấy tình hình nguy hiểm đã gọi điện báo cho Biên phòng Cà Mau, nhờ giải cứu và cho họ vào bờ. Vì lí do này, họ bị người của ông Ngộ đánh đập, dùng dao khống chế, đưa sang tàu CMP 99127TS, kiểm tra rồi thu hết điện thoại…

Anh Đoàn Quang Trung kể đến tận ngày 9/7/2021, nhóm chúng tôi mới được ông Ngộ cho lên bờ ở cảng cá Tắc Cậu. Ông Ngộ bảo khi lên bờ sẽ có người đón. Vì vậy, khi lên bờ, có người đến hỏi có phải lên từ tàu ông Ngộ không thì cả nhóm đều bảo không phải và trốn thoát. Sau đó anh Trung đã nhờ được điện thoại gọi cho anh vợ mình là anh Trần Văn Sáng (trú tại TP Phú Quốc) đến trợ cứu.

Theo các ngư dân ban đầu trực ban hình sự Công an huyện Châu Thành đã không tiếp nhận đơn tố cáo.

Theo các ngư dân ban đầu Trực ban hình sự đã không tiếp nhận đơn tố cáo, họ phải đi lại vật vờ nhiều lần ở trụ sở Công an huyện Châu Thành.

Theo các ngư dân ban đầu trực ban hình sự Công an huyện Châu Thành đã không tiếp nhận đơn tố cáo.


Thuật lại sự việc với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, anh Trần Văn Sáng cho biết: “Nhận được điện thoại cầu cứu của Trung, chiều hôm sau tôi đến huyện Châu Thành và đưa nhóm ngư dân đến Công an huyện Châu Thành trình báo, tố giác tội phạm. Điều ngạc nhiên là ban đầu Công an huyện Châu Thành không tiếp nhận tố cáo của nhóm ngư dân”.

“Sau khi nhóm ngư dân đi lại 2-3 lần, thì ngày 12/7/2021 Công an huyện Châu Thành mới tiếp nhận trình báo của công dân. Khi tiếp nhận đơn của nhóm ngư dân, điều tra viên có tên là Danh Thị Kim Tươi còn điện thoại cho chủ tàu và Tài Công Bảo lên thương lượng với ngư dân”, anh Trần Văn Sáng kể lại việc trình báo tại Công an huyện Châu Thành.

Không yên tâm, anh Sáng đưa nhóm ngư dân đến Bộ đội biên phòng Kiên Giang trình báo sự việc. Vào hồi 10h40’ ngày 13/7/2021, tại Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), thiếu tá Võ Hoài Trung – Trưởng Ban điều tra và đại úy Cao Hoàng Khải – Trợ lý Ban điều tra đã lập biên bản tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm của nhóm ngư dân. Tuy nhiên, do nhóm ngư dân đã lên bờ thuộc địa bàn của huyện Châu Thành nên Biên phòng hướng dẫn đến trình báo với cơ quan công an địa phương.

Theo luật sư, Công an huyện Châu Thành có dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ Công an về việc tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm.

Theo luật sư, Công an huyện Châu Thành có dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ Công an về việc tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố giác của nhóm ngư dân bị lừa lao động trên tàu cá, bất ngờ ngày 14/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành có Văn bản số 74/CQĐT-ĐTTH do Thượng tá Ngô Thanh Khoa – Trưởng Công an huyện Châu Thành, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra ký khẳng định “vụ việc liên quan đến tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu của tội phạm nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành” và hướng dẫn nhóm ngư dân khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Châu Thành để giải quyết.

Qua văn bản của thượng tá Ngô Thanh Khoa cũng có thể thấy cơ quan công an đã xác định được chủ tàu cá số hiệu CM99127TS là ông Năm có địa chỉ ở huyện Châu Thành và việc nhóm ngư dân ở trên tàu cá này là có thật. Sáng 27/7/2021, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã liên lạc với thượng tá Ngô Thanh Khoa để xác minh sự việc. Thượng tá Khoa cho biết đang bận đi chỉ đạo chống dịch COVID-19 và đề nghị phóng viên đến cơ quan làm việc cụ thể. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị chỉ nêu một câu hỏi là cơ quan điều tra đã làm việc với ông Năm chủ tàu cá chưa thì thiếu tá Khoa trả lời: Chúng tôi đã làm việc với nhóm ngư dân(?!)

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM).

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM).

Đánh giá vụ việc và cách giải quyết tin tố giác tội phạm của Công an huyện Châu Thành, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chỉ sau hai ngày tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của công dân mà Công an huyện đã có trả lời là “hơi” vội vàng với một vụ việc phức tạp có nhiều nạn nhân cùng tố giác, có dấu hiệu phạm Tội Buôn bán người”.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, tất cả các trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cán bộ tiếp nhận phải ghi vào sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm theo mẫu số 278 (ban hành theo Thông tư 61/2017/TT-BCA). Sau khi hoàn thiện thủ tục tiếp nhận thì đơn vị tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận tiến hành phân loại, xử lý theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư 28/2020/TT-BCA. Do đó, khi có tin báo tố giác thì cơ quan chức năng sẽ làm đúng các quy định như cần có thời gian triệu tập các bên lên lấy lời khai, thu thập chứng cứ để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như không để xảy ra oan sai.

“Ngoài ra, qua tố cáo của nhóm ngư dân làm thuê, vụ việc có dấu hiệu của hành vi mua bán người. Đó có thể là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác để trao đổi để lấy người hoặc ngược lại để thu lợi bất chính. Hành vi mua bán người trái phép xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người của nạn nhân,…căn cứ vào hậu quả của hành vi thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự về tội mua bán người”, luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Khánh Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm