Góc nhìn

Sa thải công nhân trái luật, công ty The Fruit Republic Cần Thơ phải bồi thường hơn 2 tỷ đồng

DNVN - Mới đây, Tòa án Nhân dân (TAND) quận Cái Răng đã tuyên xử Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ (Công ty TFR) bồi thường cho 3 người lao động với số tiền hơn 2 tỷ đồng do liên tục sa thải cán bộ, nhân viên với các lý do lợi dụng chức vụ để tư lợi, ăn hối lộ… nhưng không chứng minh được sai phạm.

Chuyện khó tin tại Cần Thơ (bài 4): Ngân hàng Agribank gửi văn bản “dọa” DN để trây ỳ thi hành án, gia tăng thiệt hại cho DN? / Thi hành án Cần thơ (bài 5): Sẽ chế tài đối với ngân hàng Agribank trong vụ án "bức ép" DN không được hưởng hỗ trợ của Chính phủ

Bỗng dưng bị sa thải

Theo đơn khởi kiện, ông L.K.A (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trình bày: Ông làm việc cho Công ty TFR (trước đây là Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Lâm Đồng) từ tháng 9/2009, sau nhiều lần tái ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng, đến ngày 21/12/2017, thì giữa ông với TFR có ký Phụ lục hợp đồng lao động thỏa thuận: Chức vụ Trưởng Phòng Kỹ sư nông nghiệp, mức lương chính 30.000.000 đồng/ tháng; lương hiệu suất (KPI) căn cứ vào hiệu suất công việc được đánh giá hàng tháng.

Đến tháng 1/2020, công ty cho rằng ông vi phạm kỷ luật, nội quy lao động của công ty. Cụ thể: Ăn hối lộ, nhận hoa hồng, kê giá, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của TFR nên ngày 17/1/2020 phía TFR đã có Quyết định tạm đình chỉ công việc đối với ông, kể từ ngày 20/1/2020 đến hết ngày 18/4/2020 để điều tra.

Trụ sở Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ.

Ngày 31/3/2020, phía TFR gửi công văn yêu cầu ông giải trình sự việc liên quan đến việc phía TFR kết luận ông vi phạm nội quy lao động và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của TFR. Ngày 15/4/2020, ông đã gửi thư để trình bày sự việc, tiếp đó, ngày 22/4/2020, ông làm thư phúc đáp gửi đến phía TFR để yêu cầu phía TFR làm rõ các căn cứ chứng minh ông vi phạm mà phía công ty đưa ra đối với ông. Tuy nhiên, phía công ty đều không có phản hồi.

Đến ngày 12/5/2020, Công ty TFR ra quyết định sa thải ông với các nội dung sai phạm: Thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty; không kê khai mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp; kê giá bán chanh nội địa để hưởng chênh lệch; thành lập công ty riêng và hợp tác xã kinh doanh cùng ngành nghề với TFR trong thời gian bị đình chỉ công tác.

Tương tự, ông T.B.S (SN 1982, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trình bày: ông và Công ty TFR có ký hợp đồng lao động vào ngày 22/4/2010 với thời hạn là 1 năm. Sau nhiều lần tái ký, ngày 21/12/2018 giữa ông và Công ty TFR tiếp tục ký tiếp Phụ lục hợp đồng lao động thay đổi, bổ sung mức lương chính từ 21.100.000 đồng/ tháng thành 25.297.000 đồng/tháng.

Một thời gian sau, công ty cho rằng ông vi phạm kỷ luật, nội quy lao động của công ty với các lý do như ông A, ngày 17/1/2020 phía công ty TFR ra Quyết định tạm đình chỉ công việc đối với ông mà không có bất cứ văn bản, giấy tờ nào chứng minh sai phạm của ông mà công ty đã lập luận đưa ra trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 17/2/2020 phía công ty TFR ra Quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông. “Thiết nghĩ, hành động trên của công ty TFR đang cố tình đưa ông ra khỏi công ty với những lý do không thuyết phục không có chứng minh thực tế nên ông cũng chưa có động thái gì và để mặc cho công ty TFR điều tra”, ông S bức xúc.

Theo ông S, ngày 26/02/2020, phía TFR gửi công văn mời ông tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động về việc công ty TFR kết luận ông vi phạm nội quy lao động và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của công ty này. Ngày 5/3/2020, công ty TFR tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm kỷ luật đối với ông, phía ông có ý kiến không chấp nhận và không đồng ý với các bằng chứng mà công ty TFR đưa ra vì không hợp lệ và hợp pháp.

Cũng theo ông S, Công ty TFR cho rằng ông vi phạm nội quy lao động nhưng điểm “lạ” là nội quy lao động lại ký vào ngày 10/3/2019 nhằm vào ngày chủ nhật là ngày nghỉ, công ty không làm việc thì ban hành cho ai và áp dụng công bố như thế nào.

Trước đó, ngày 17/1/2020 công ty TFR đã có quyết định tạm đình chỉ đối với ông và một số nhân viên khác nữa. Đến nay việc tạm đình chỉ của công ty TFR đối với ông và nội bộ công ty cho rằng đã có quyết định sa thải và đã gửi đến địa chỉ nhà ông, nhưng thực tế ông không nhận được bất kỳ văn bản hay quyết định sa thải nào và cũng không hề ký nhận bất kỳ văn bản nào từ công ty TFR.

“Việc công ty TFR không có bằng chứng cụ thể nào bằng văn bản, hình ảnh hay lời nói để chứng minh những lý do mà công ty đã áp đặt cho ông vi phạm mà đình chỉ và ra văn bản quyết định đình chỉ cũng như sa thải ông đã là hoàn toàn trái pháp luật. Thời gian công ty TFR sa thải ông khi đó vợ ông vừa sinh con nhỏ được 3 tháng tuổi”, ông S thắc mắc.

Liên tiếp bị kiện, doanh nghiệp nói gì?

Ông T.B.S cho rằng: Hành động tạm đình chỉ cũng như sa thải của công ty đối với ông đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình nên ông khởi kiện yêu cầu TAND quận Cái Răng xem xét, giải quyết: buộc Công ty TFR phải có nghĩa vụ trả cho ông số tiền mà công ty còn nợ chưa thanh toán lương tháng 1/2020 cùng với số tiền lương những ngày ông bị tạm đình chỉ từ 20/1/2020 đến 20/7/2020, tổng là 177.079.000 đồng; cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương. Tổng số tiền là 227.673.000 đồng.

Ngoài ra, Công ty TFR phải có nghĩa vụ chi trả tổng số tiền lương và trợ cấp thôi việc cho ông về hành vi sa thải người lao động trái pháp luật, tính từ ngày 22/4/2010 - 21/8/2019 với số tiền thực tính là 301.846.000 đồng.

Trong quá trình Tòa án đưa vụ án ra xét xử phía ông S có đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung ngày 25/2/2022 và yêu cầu bồi thường tổng cộng 1.008.780.585 đồng bao gồm: Tiền lương tháng 13, KPI tháng 12/2019; tiền lương tháng 1/2020; tiền lương những ngày không làm việc, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tai nạn tính từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2022; tiền bồi thường do sa thải trái pháp luật; tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần, thể chất khi sa thải, gia đình đang nuôi con nhỏ. Đồng thời, yêu cầu tòa án tuyên bố quyết định ra quyết định xử lý kỷ luật lao động với hình thức sa thải đối với ông là trái pháp luật và yêu cầu hủy quyết định này.

Còn theo ông A, quyết định sa thải của Công ty TFR không thông báo cho ông được biết và ra Quyết định sa thải trong khi ông đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là vi phạm luật lao động nên ông làm đơn khởi kiện đến TAND quận Cái răng yêu cầu Tòa tuyên bố Quyết định xử lý kỷ luật sa thải là trái pháp luật. Tuy nhiên, hiện tại ông không có nhu cầu trở lại làm việc tại TFR nên yêu cầu Tòa giải quyết hậu quả của việc công ty ra quyết định sa thải trái pháp luật.

Cụ thể, buộc phía Công ty TFR phải có nghĩa vụ trả cho ông số tiền: 1.098.000.000 đồng (bao gồm: Lương và KPI tháng 1/2020; lương tháng 13 năm 2019; các khoản lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc và tổn thất khác trong thời gian không được làm việc).

Liên quan đến các vụ kiện này, đại diện Công ty TGR thừa nhận: Công ty có ký hợp đồng lao động với ông A vào thời điểm như ông A trình bày nêu trên là đúng. Tiền lương hiện tại của ông A theo phụ lục hợp đồng là 30.000.000đ/ tháng. Tuy nhiên, trong hợp đồng không có thỏa thuận lương KPI, chỉ khi nào ông A làm việc đạt năng suất thì mới có cơ sở xem xét.

Về lý do và cơ sở pháp lý trong việc Công ty áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật sa thải đối với ông A, đại diện TFR cho rằng: ông A đã làm việc tại công ty theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, chức danh chuyên môn là Trưởng vùng nguyên liệu Lông A. Sau đó, ông A đã được thăng chức Trưởng phòng kỹ sư nông nghiệp. Theo đó, ông A có trách nhiệm quản lý Giám sát Kỹ sư nông nghiệp, Kỹ sư nông nghiệp làm việc tại vùng nguyên liệu trong việc tìm kiếm, chọn lọc nông dân, tư vấn kỹ thuật, thu mua nguyên liệu theo tiêu chuẩn của công ty yêu cầu (theo “Mô tả công việc” đã ký).

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại TFR, ông A đã có các hành vi vi phạm kỷ luật, nội quy lao động của công ty được đăng ký và ban hành hợp lệ nên bị áp dụng xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải.

Đối với ông S, đã làm việc tại công ty theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 21/8/2014 với chức danh chuyên môn là Giám sát kỹ sư nông nghiệp. Theo đó, ông S có trách nhiệm quản lý kỹ sư nông nghiệp tại vùng nguyên liệu trong việc tìm kiếm, chọn lọc nông dân, tư vấn kỹ thuật, thu mua trái cây theo tiêu chuẩn của công ty yêu cầu.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại TFR, ông S đã có các hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, nội quy lao động của công ty được đăng ký và ban hành hợp lệ, cụ thể: ông S đã không những không kê khai mối quan hệ với nhà cung cấp của TFR để tránh các xung đột về lợi ích mà còn cố tình che giấu để cung cấp trái cây cho TFR, cụ thể: Vườn Trần Thị Bảo Trâm, một trong những nhà cung cấp trái cây cho Công ty đến cuối năm 2019, trên thực tế lại chính là vườn của ông S được đứng tên bởi bà Trâm là người thân của ông S.

Ngoài ra, ông S đã có hành vi nhận hoa hồng khi mua phân gà cho nông dân Hậu Giang, đồng thời, ông S đã có hành vi lợi dụng chức vụ không chỉ sử dụng xe TFR cho mục đích cá nhân mà còn gây phiền hà cho đồng nghiệp là ông Trịnh Ngân Giang, tài xế của công ty, cụ thể là nhiều lần ép ông Giang chở vượt quá số lượng, vượt quá tải trọng của xe.

Theo đại diện TFR, ông S đã không kê khai mối quan hệ để tránh các xung đột về lợi ích với công ty vi phạm Điều 21 của nội quy lao động, cụ thể: ông S chính là giám đốc của Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, được thành lập trong khoảng thời gian bị tạm đình chỉ công việc, nhưng vẫn còn là người lao động của công ty.

“Căn cứ theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, Công ty đã tiến hành tuần tự các bước thủ tục pháp lý để xử lý kỷ luật lao động sa thải đối với ông S là đúng trình tự, thủ tục”, đại diện Công ty TFR trình bày.

Buộc bồi thường hơn 2 tỷ đồng

Sau khi ông L.K.A; ông T.B.S làm đơn khởi kiện, vụ án đã được TAND quận Cái Răng thụ lý và đưa ra xét xử vụ án tranh chấp lao động “Xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải" vào các ngày 21/2/2022 (vụ ông A); 21/3/2022 (vụ ông S).

Tại bản án số 02/2022/LĐ-ST, liên quan đến vụ kiện của ông L.K.A, tòa nhận định: Đối với việc Công ty TFR cho rằng, ông A lợi dụng chức vụ để tư lợi khi có quan hệ không rõ ràng với nhà vườn T.Đ.L, việc ông A thuê mướn, trả tiền công cho công nhân của nhà vườn T.Đ.L là có thật. Tuy nhiên, phía TFR chưa cung cấp được chứng cứ đầy đủ chứng minh việc ông A tư lợi và khoản tiền tư lợi là bao nhiêu. Do đó, căn cứ của TFR đưa ra để xử lý kỷ luật sa thải ông A là không có cơ sở, không được chấp nhận.

Bên cạnh đó, việc công ty ra quyết định xử lý kỷ luật ông A vào ngày 12/5/2020 khi ông A đang có 1 con là L.N.Q.Đ (SN 8/2/2020, dưới 12 tháng tuổi nên vi phạm nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, cụ thể: “Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”. Do đó, Quyết định xử lý kỷ luật sa thải ông A ngày 12/5/2020 của Công ty TFR là trái pháp luật.

Từ những căn cứ trên, Tòa án tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: buộc Công ty TFR phải trả tiền lương, tiền bảo hiểm và bồi thường cho ông L.K.A trong những ngày ông A không được làm việc từ ngày 20/1/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm 23/2/2022; số tiền tổng cộng là: 921.948.000 đồng (bao gồm: Tiền lương; tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 5/2020 đến khi xét xử sơ thẩm…).

“Về việc yêu cầu TFR trả tiền lương KPI, bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần; bồi thường do chiếm đoạt sim điện thoại, tài khoản Zalo của ông A, tòa đình chỉ một phần yêu cầu này”, bản án nêu rõ.

Còn tại bản án số 03/2022/DSST, vụ tranh chấp của ông T.B.S, tòa tuyên xử: Hủy Quyết định xử lý kỷ luật lao động của Công ty TFR về việc sa thải ông S, đồng thời buộc TFR phải bồi thường cho Sơn tổng số tiền 804.444.600 đồng (bao gồm: Tiền lương tháng 1/2020; tiền lương những ngày không làm việc từ 2/2020 đến tháng 2/2022; tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2022; tiền bồi thường thiệt hại do sa thải trái pháp luật.

“Về yêu cầu trả tiền lương KPI từ ngày 1/2/2020 đến ngày 16/2/2020 và yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần, thể chất khi sa thải, gia đình đang nuôi con nhỏ với tổng số tiền 107.585.329 đồng, tòa cho rằng không có căn cứ nên không chấp nhận”, bản án nêu.

Về án phí dân sự sơ thẩm, Công ty TFR phải chịu cho 2 bản án trên với số tiền 43.947.852 đồng. Ngoài ra, kể từ khi ông A, ông S có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, TFR còn phải chịu khoản tiền lãi tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định.

Liên quan đến các yêu cầu khởi kiện, ngày 12/4, TAND quận Cái Răng có Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa bà N.T.T.T.P (SN 1982, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) và Công ty TFR. Theo đó, TFR có nghĩa vụ chi trả cho bà P số tiền: 421.440.000 đồng. Đồng thời, rút quyết định xử lý kỷ luật lao động của Công ty TFR về việc sa thải bà P.

Được biết, ngoài các vụ kiện trên, ngày 5/5, thông tin từ TAND quận Cái Răng cho biết, hiện tòa đang thụ lý và giải quyết tiếp một đơn khởi kiện liên quan đến tranh chấp hợp đồng lao động giữa người lao động với Công ty TFR.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm