Góc nhìn

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp bị "tổn thương" nặng vì chạy lòng vòng cả tháng chưa được cấp giấy đi đường (?)

DNVN - Không được cấp giấy đi đường theo quy định để vận chuyển hóa thiết yếu, chuyển quà từ thiện đến tuyến đầu chống dịch…đang làm khó DN cung cấp hàng thiết yếu ở TP Hồ Chí Minh. Từ nỗ lực chung tay chống dịch... chỉ vì lòng vòng mãi không được cấp "giấy đi đường" mà DN đang phải đối diện nguy cơ phá sản (?)

Gạo hữu cơ Ong Biển Quảng Trị: “Sạch và vô cùng sạch” / Nữ doanh nhân biến “đất thép” Quảng Trị thành những cách đồng hữu cơ giá trị ngàn vàng

Từ việc DN làm từ thiện, chung tay chống dịch...

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị, có chi nhánh hoạt động tại 138 Vũ Tông Phan, phường An Phú, Quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã 3 tháng nay kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng doanh nghiệp đã dồn sức lực và tiền của để hưởng ứng lời kêu gọi cùng chung tay giúp đỡ những gia đình, hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa bằng cả tấm lòng.

bà con xếp hàng chờ nhận những phần quà từ thiện

Bà con xếp hàng chờ nhận những phần quà từ thiện của Công ty (thời điểm chưa quy định sử dụng giấy đi đường).

Người dân phấn khởi nhận phần quà từ thiện từ Công ty CP

Người dân phấn khởi nhận phần quà từ thiện từ Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (thời điểm chưa quy định sử dụng giấy đi đường).

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ tâm sự: “Mặc dù, không giàu có nhưng công ty cũng đã mang gạo, tiền tìm đến những địa chỉ khó khăn để hỗ trợ các khu cách ly, những vùng phong toả, người lao động mất việc…nhằm chia sẻ và gánh vác một phần nhỏ khó khăn cho đất nước, cho nhân dân trong thời kỳ dịch bệnh”.

Theo doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ, Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị là doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mặt hàng thiết yếu đó là gạo, bún, các sản phẩm nông sản cho các chuỗi siêu thị thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kể từ khi TP Hồ Chí Minh “lâm nạn” đến nay, Công ty đã nấu trên 20.000 suất cơm cho người vô gia cư và các khu phong toả, tặng hơn 5 tấn gạo cho các khu phong toả, bệnh viện dã chiến, tuyến đầu chống dịch và công nhân mất việc làm…

 

Đến lòng vòng quy trình xin "giấy đi đường", đối diện nguy cơ phá sản

Công văn 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, tại mục 2.1 quy định: “Đối với khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày: Cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động gồm: Các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, toà nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân và nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch...".

Để được thực hiện việc kinh doanh phục vụ các mặt hàng nông sản thiết yếu trên địa bàn thành phố, cũng như việc tiếp tục hoạt động công tác từ thiện, theo quy định về việc cấp giấy đi đường, doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký qua mạng với Chi cục an toàn thực phẩm thành phố.

Sau 10 ngày chờ đợi, doanh nghiệp nhận được câu trả lời: Chi cục an toàn thực phẩm không làm nữa, doanh nghiệp phải chuyển sang Công an thành phố Thủ Đức để làm giấy đi đường. Theo hướng dẫn này, DN nộp thủ tục sang Công an thành phố Thủ Đức, sau 6 ngày chờ đợi doanh nghiệp lại tiếp tục nhận được câu trả lời: Phải chuyển lên đăng ký tại Công an thành phố Hồ Chí Minh. Thêm lần nữa, DN đến Công an TP Hồ Chí Minh thì lại nhận được câu trả lời: Chuyển về UBND thành phố Thủ Đức mà nộp…Bức xúc vì "vòng luẩn quẩn" này, bà Phạm Thị Diễm Lệ nói với PV: "DN chúng tôi quanh quẩn đi lại gần cả tháng trời, hỏi chỗ này thì bảo chỗ kia, không biết đường nào mà lần".

Cửa hàng CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị tại 138 Vũ Tông Phan, phường An Phú là mặt hàng thiết yếu được phép phục vụ trong mùa dịch. Thế nhưng, do lòng vòng chuyện cấp giấy đi đường nên doanh nghiệp điêu đứng do không thể hoạt đông, nguy cơ phá sản cận kề

Cửa hàng CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị tại 138 Vũ Tông Phan, phường An Phú là mặt hàng thiết yếu được phép phục vụ trong mùa dịch. Thế nhưng, do lòng vòng chuyện cấp giấy đi đường nên doanh nghiệp điêu đứng do không thể hoạt động, nguy cơ phá sản cận kề.

 

Không có giấy đi đường, doanh nghiệp đành bó tay, kể cả làm từ thiện. Mặc cho doanh nghiệp phản hồi trên các hệ thống thông tin, liên lạc và cả trực tiếp với các cơ quan Công an phường, quận, thành phố, đến UBND phường, UBND Thành phố, nhưng đã gần cả tháng nay vẫn không được cấp giấy đi đường cho nhân viên giao dịch hàng hóa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như công tác từ thiện của công ty. Nguy cơ phá sản đối với doanh nghiệp sẽ hiện hữu nếu không được khắc phục những vướng mắc này.

Với những gì xảy ra xung quanh giấy đi đường trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ phải thốt lên: “Sự tắc trách của chính quyền cơ sở TP Hồ Chí Minh đang thực sự làm khó cho doanh nghiệp. DN chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh xem xét giải quyết gấp giấy đi đường cho Công ty chúng tôi”.

Kiều Thanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm