Hỗ trợ doanh nghiệp

Bán hết vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco: Lựa chọn cực kỳ thông minh

(DNVN) - Đây là khẳng định của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trong văn bản thứ 2 gửi Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị Sabeco và Habeco ngày 16/5.

Lý giải cho khẳng định của mình, VAFI cho biết, hiện nay nhiều Tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương quản lý đều lâm vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ và trở thành doanh nghiệp ốm yếu như Tập đoàn hóa chất, TKV, Vinasteel…giá trị tài sản và vốn nhà nước giảm đi rất nhiều do yếu kém trong quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, VAFI không hy vọng vào giải pháp là Bộ Công thương sẽ lựa chọn được nhân sự giỏi để quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco – vì đây chỉ là giải pháp tính thế.

Bán hết vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco là lựa chọn cực kỳ thông minh.

Theo VAFI, khi đưa ra phương án bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco, giá trị doanh nghiệp sẽ đạt được giá tối đa, còn nếu nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia HĐQT thì giá bán sẽ giảm và như vậy thu ngân sách sẽ giảm rất nhiều.

Có ý kiến cho rằng nếu bán toàn bộ cổ phần nhà nước thì 2 thương hiệu Sabeco và Habeco sẽ lọt vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Theo VAFI, khả năng này có thể xảy ra nhưng thương hiệu Sabeco và Habeco không mất, nếu không còn thương hiệu này thì coi như nhà đầu tư nước ngoài tự sát. 

Một lý do nữa được đưa ra là sau khi thoái toàn bộ vốn tại Sabeco và Habeco, VAFI tin rằng quản trị doanh nghiệp sẽ tốt lên, thu ngân sách từ các loại thuế , phí sẽ tăng lên còn nếu chậm trễ trong việc thoái vốn hoặc thoái vốn nửa vời cộng với năng lực quản trị yếu kém thì rất có thể nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu từ việc thoái vốn sau này .

Trước đó, ngày 10/5, VAFI đã có công văn với yêu cầu Sabeco và Habeco phải thực hiện ngay việc niêm yết đồng thới bán hết vốn nhà nước. Tuy nhiên, đại diện của Sabeco (ông Lê Hồng Xanh – Phó Tổng giám đốc) và đại diện Bộ Công Thương (ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ) có phản hồi, rằng: "Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết" vì "để Sabeco được niêm yết thì cổ phần nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ".

Tuy nhiên,  tại văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) ngày 16/5 này, sau khi đưa ra một loạt lý do "phản bác", một lần nữa VAFI kiến nghị các doanh nghiệp này thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo