Bất cập trong các quy định về phương thức tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp
Về mức phí và lưu lượng nước thải tính phí
Theo Nghị định, quy định mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm đối với các cơ sở có lượng nước thải trung bình một năm dưới 20m3/ngày đêm được áp dụng cho tất cả các ngành nghề đang bị coi là chưa hợp lý với một số đối tượng.
Cơ sở sản xuất chế biến có tổng nước thải dưới 20m3/ ngày đêm không áp dụng mức phí biến đổi. Thực tế cho thấy một số cơ sở sản xuất trong những lĩnh vực ngành nghề đặc thù sử dụng lưu lượng nước rất ít, dưới 1m3/ngày đêm hoặc thậm chí chưa đến 10m3/tháng như cơ khí, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng, đá chẻ… hoặc có những cơ sở sản xuất gần như không sử dụng nước trong hoạt động sản xuất như may mặc mà không dệt nhuộm, thạch cao… Việc thu phí cơ sở này bị phản đối dựa trên lập luận rằng quy định thu phí cố định 1.500.000 đồng/năm đối với tất cả các ngành nghề là không công bằng, bởi không thể đánh đồng giữa cơ sở sản xuất chỉ sử dụng 1m3/ngày đêm với cơ sở sản xuất 20m3/ngày đêm. Các cơ sở sản xuất không sử dụng nước như may mặc, thạch cao… phản đối vì cho rằng không sử dụng nước cho việc sản xuất thì không phải chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Một số cơ sở chấp nhận đóng phí nhưng yêu cầu mức hợp lí vì họ chỉ sản xuất dưới quy mô hộ gia đình nên mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm là quá cao.
Trong trường hợp một số hộ gia đình thành lập nhiều cơ sở sản xuất (2 đến 3 cơ sở) cùng một ngành nghề và sử dụng lưu lượng nước thải rất ít (như cơ khí, may mặc,…) nhiều địa phương lúng túng giữa phương án chỉ thu phí cố định 1.500.000 đồng/năm đối với hộ gia đình/ năm hay thu phí cố định dựa trên cơ sở sản xuất của hộ gia đình. Để tránh thất thu ngân sách, nhiều địa phương chọn phương án thu dựa trên số lượng cơ sở sản xuất của hộ gia đình và bị phản đối. Để việc thu phí được thống nhất, việc quy định rõ về đối tượng chịu phí là hết sức cần thiết. Nhưng Nghị định lại không quy định rõ mức phí cố định 1.500.000đồng/năm thu theo hộ gia đình sản xuất hay thu theo số lượng cơ sở sản xuất của hộ gia đình.
Việc quy định về tính phí biến đổi cho các cơ sở sản xuất có lượng nước thải từ 20m3/ngày đêm trở lên theo Nghị định là không phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này. Hiện nay, các cơ sở sản xuất ở Việt nam chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ, tải lượng nước thải không cao. Với mức 20m3/ngày đêm mới tính đến phí biến đổi sẽ dẫn đến tình trạng số lượng cơ sở sản xuất phải đóng phí biến đổi là rất thấp. Nguồn thu cho công tác BVMT từ phí nước tải công nghiệp bị giảm sút đáng kể, không đủ bù đắp chi phí cho hoạt động BVMT.
Về thông số ô nhiễm tính phí
Trong Nghị định có quy định thu phí BVMT đối với 6 chất gây ô nhiễm COD, TSS, Hg, Bp, As, và Cd… Trong thực tế, quy định trên đã tạo áp lực và khó khăn nhất định bởi điều kiện về nguồn lực và phương tiện phân tích thông số ô nhiễm của các địa phương còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được việc thu phí với nhiều chất gây ô nhiễm.
Việc quy định thu phí BVMT đối với 4 loại kim loại nặng cho tất cả các ngành nghề cũnglà bất hợp lý. Bởi, mỗi loại hình sản xuất công nghiệp có một đặc thù riêng, công nghệ sản xuất đa dạng nên việc phát thải gây ô nhiễm khác nhau, không phải ngành sản xuất công nghiệp nào cũng phát sinh nước thải chứa 4 kim loại nặng. Mặt khác, chi phí lấy mẫu, phân tích hàm lượng thông số ô nhiễm thậm chí cao hơn số phí thu được từ cơ sở sản xuất.
Chi phí lấy mẫu tốn kém nên nhiều địa phương chỉ tiến hành lấy mẫu phân tích thông số ô nhiễm theo xác xuất. Việc xác định thông số ô nhiễm tính phí chủ yếu dựa vào việc kê khai của cơ sở sản xuất nên nhiều cơ sở sản xuất kê khai không trung thực, dẫn đến xác định phí không chính xác. Điều này làm giảm hiệu lực và hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường của phí BVMT. Do đó, việc xác định thông số ô nhiễm tính phí cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay cũng như đặc thù phát thải của ngành nghề sản xuất công nghiệp.
Từ những phân tích trên, để giải quyết các bất cập, cần sửa đổi bổ sung một số quy định trong Nghị định. Cụ thể: về phí cố định và lưu lượng nước thải tính phí cố định. Đối với mức phí cố định đối với nước thải công nghiệp hiện nay là 1.500.000 đồng, cần điều chỉnh sau mỗi chu kỳ 5 năm để phù hợp với sự biến động của môi trường và các điều kiện kinh tế, xã hội. Đối với lưu lượng nước thải để tính phí cố định, cần chia nhỏ mức lưu lượng nước thải tính phí cố định phù hợp với các mốc lưu lượng nước thải xử lí vi phạm hành chính.
Về phí biến đổi, ngoài việc tính phí cố định theo hệ số như đã nêu, thu phí biến đổi với mức xả thải từ 5m3/ngày đêm trở lên sẽ có tác dụng điều chỉnh hành vi của cơ sở sản xuất theo hướng có lợi cho môi trường, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho BVMT và đồng thời tạo sự công bằng trong việc thu phí giữa các cơ sở sản xuất. Cần điều chỉnh tăng dần mức phí biến đổi sau mỗi chu kì khoảng 5 năm. Không nên điều chỉnh mức phí theo mức lạm phát vì khó thực hiện và thường gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt chính sách. Cách điều chỉnh hiệu quả là áp dụng hệ thống tự điều chỉnh mức phí hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng. Điều này sẽ hạn chế được ảnh hưởng của lạm phát đến hiệu quả của việc áp dụng phí BVMT.
Đối với trường hợp một hộ gia đình thành lập nhiều cơ sở sản xuất cùng một ngành nghề và sử dụng lưu lượng nước thải rất ít thì chỉ nên thu phí đối với hộ gia đình. Lưu lượng nước thải tính phí cố định và phí biến đổi là tổng lượng nước thải của các cơ sở sản xuất của hộ gia đình. Quy định này vừa có tính khuyến khích hộ gia đình làm kinh tế, vừa đảm bảo được sự công bằng trong việc thu phí giữa các chủ thể.
Đối với thông số ô nhiễm tính phí, qua thực tế thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP trong 10 năm cho thấy, rất nhiều địa phương đã không thu được phí BVMT đối với các thông số kim loại nặng có trong nước thải, gây thất thu ngân sách nhà nước bởi rất nhiều nguyên nhân. Ví dụ, năng lực quan trắc thông số ô nhiễm kim loại nặng tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chi phí phân tích cao, thậm chí chi phí phân tích kim loại nặng cao hơn so với số phí nước thải công nghiệp thu được; Hoặc quy định tính phí theo hàm lượng các thông số kim loại nặng trong nước thải áp dụng đối với mọi đối tượng không đảm bảo tính công bằng
giữa các loại hình sản xuất công nghiệp, không phân loại được các nhóm ngành phát sinh nước thải tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây tốn kém, phức tạp cho doanh nghiệp của một số ngành sản xuất như thực phẩm, dệt may...
Từ thực tiễn thực hiện pháp luật về phí BVMT đối với nước thải công nghiệp tại Việt Nam cũng như dựa vào đặc thù xả thải của tất cả các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2009, chỉ nên áp dụng phí BVMT cho 02 chỉ tiêu ô nhiễm là COD, TSS và 01 kim loại nặng có nồng độ cao nhất trong nước thải. Vì đây là các chất gây ô nhiễm hiện diện trong nước thải của tất cả các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn, việc tính phí đối với kim loại nặng cũng cần thiết vì đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nặng cho môi trường. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện Việt Nam, trong giai đoạn này chỉ nên tính phí đối với 01 kim loại nặng có nồng độ cao nhất.
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là một trong những công cụ quản lý quan trọng được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và được xây dựng trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm tạo áp lực để các doanh nghiệp giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo nguồn thu chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo