Bất động sản

Bị áp doanh số dịp cận Tết, cò đất rầm rộ tung chiêu 'chém gió' hốt bạc

Lợi dụng không khí giao dịch sôi động dịp cuối năm, nhiều môi giới bất động sản không ngại ngùng tung ra đủ loại chiêu trò để "bẫy" nhà đầu tư cả tin và thiếu kiến thức.

3,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản / Thu nhập giảm vì đại dịch, người dân "hụt hơi" trước đà tăng của giá nhà

Nhân viên môi giới bị "áp" chỉ tiêu doanh số

Theo số liệu của Hội môi giới bất động sản, do phải gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19, nên năm 2020 tổng khối lượng giao dịch chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Để đảm bảo doanh số không bị "âm", một số công ty môi giới đang chạy đua doanh số và "ép" nhân viên môi giới nhanh chóng đẩy hàng tồn đọng.

Trao đổi với PV báo Dân trí, H., một nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết: Trong suốt năm 2020, doanh số bán hàng của công ty đã giảm 65% - 80% so với năm 2019. Bên cạnh dịch bệnh, nguồn cung không có cũng là một nguyên nhân khiến doanh số sụt giảm.

"Chỉ đến đầu tháng 10, nhu cầu mua nhà mới có xu hướng tăng. Vì vậy, phía công ty áp định mức cho nhân viên môi giới phải bán tối thiểu 2 - 3 sản phẩm bất kỳ/tháng", H. chia sẻ.

Bị áp doanh số dịp cận Tết, cò đất rầm rộ tung chiêu chém gió hốt bạc - 1

Lợi dụng không khí giao dịch sôi động dịp cuối năm, nhiều môi giới bất động sản không ngại ngùng tung ra đủ loại chiêu trò để "bẫy" nhà đầu tư cả tin. Ảnh minh họa: Vũ Đức Anh

Theo H., phía công ty môi giới cũng chủ động tăng chiết khấu sản phẩm để hỗ trợ nhân viên. Ví dụ, với sản phẩm nhà đất, đất trong dân cư, hoa hồng sẽ là 3% giá bán. Tuy nhiên, nhân viên môi giới sẽ phải cắt 1,5% cho công ty, thực nhận chỉ có 1,5%. Ở thời điểm hiện tại, một số công ty áp dụng chỉ cắt khoảng 0,8% - 1%, thay vì 1,5% như trước.

Đối với sản phẩm căn hộ chung cư, hoa hồng sẽ phụ thuộc vào cam kết của chủ đầu tư. Mức hoa hồng tối thiểu đối với một căn hộ có giá từ 1 tỷ - 1,5 tỷ đồng sẽ là 15 triệu đồng/sản phẩm. Hiện tại, mức hoa hồng tăng lên 20 triệu đồng/sản phẩm.

Tương tự, với đất nền, mức hoa hồng sau một giao dịch thành công sẽ là 2%, hiện nay mức hoa hồng tăng lên 2,3%.

"Mặc dù có chính sách hấp dẫn hơn, tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đẩy hàng nhanh không hề dễ dàng. Một sản phẩm bán được có khi phải mất vài tháng mới thuyết phục được người mua xuống tiền", H. cho biết.

Cẩn trọng với "bẫy" đặt cọc của môi giới

 

Do phải chạy đua doanh số dịp cuối năm nên nhiều công ty môi giới, hoặc cá nhân cò đất đã tung ra hàng loạt chiêu trò để kích cầu thị trường.

Vạch trần một số chiêu trò hiện nay, M., một cựu nhân viên môi giới bất động sản tiết lộ: Một số chiêu trò như thổi giá, hét giá sản phẩm, tạo "sóng" ảo, bán suất ngoại giao, nói quá thông tin dự án;... tuy đã cũ nhưng vẫn còn hiệu quả.

M. kể: Cách đây 2 năm, cũng vào thời điểm cuối năm, M. được công ty giao nhiệm vụ tiếp một đoàn khách gồm 15 người đến tìm hiểu một dự án phân lô, tách thửa tại Hoài Đức (Hà Nội).

Bị áp doanh số dịp cận Tết, cò đất rầm rộ tung chiêu chém gió hốt bạc - 2

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định xuống tiền đầu tư.

Thời điểm này, giá trị một lô đất (40 m2) dao động từ 1 tỷ - 1,2 tỷ đồng, tương đương 25 triệu - 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, M. được công ty cho phép "hét" giá lên 30 triệu - 35 triệu đồng, chênh 5 triệu đồng.

 

Để thuyết phục khách hàng xuống tiền, M. đã dựa vào các thông tin quy hoạch của Hà Nội và Hoài Đức làm dẫn chứng cụ thể, ví dụ như đường 32 sắp được mở rộng, chuẩn bị có thêm đường vành đai 3,5 và đặc biệt là huyện Hoài Đức và Đan Phượng chuẩn bị được xét duyệt lên quận. Các yếu tố này sẽ khiến bất động sản sinh lời theo cấp số nhân.

"Kịch bản chung của dân môi giới sẽ là dựa vào quy hoạch để nói quá lên thông tin dự án. Với trường hợp nêu trên, nhân viên môi giới sẽ đưa ra tốc độ tăng giá hàng năm để thuyết phục khách hàng.

Ví dụ, năm 2015, giá trị của lô đất này chỉ từ 18 triệu - 25 triệu đồng/m2, thì nay đã lên 30 triệu - 35 triệu đồng/m2, tăng gần 70%. Dựa vào số liệu này, có thể năm 2020 - 2021, giá trị có thể tăng vọt lên 40 triệu đồng/m2, thậm chí vượt qua con số 40 triệu đồng/m2", M. nói.

Với những khách hàng vẫn còn lăn tăn về dự án, nhân viên sẽ "bồi" thêm một cú hích để tạo ra lòng tin, đó là câu nói: "Dự án bên em đang rất "hot" và khan hàng. Nếu khách hàng không xuống tiền nhanh, chỉ sợ vài ngày nữa là không còn".

"Đây là một kịch bản tương đối phổ biến, dù cũ nhưng vô cùng hiệu quả. Khi khách hàng xuống tiền, bên môi giới hay phía chủ đầu tư không cần biết giá trị có tăng như cam kết hay không. Nếu có người thắc mắc, phía công ty sẽ đổ lỗi do thị trường, do thanh khoản hoặc bất kỳ lý do gì mà họ nghĩ ra được", M. chia sẻ.

 

Hiện nay, bên cạnh các "bẫy" đầu tư đã cũ, nhiều cò đất có nhiều chiêu thức khác tinh vi hơn, ví dụ như đưa ra các bản cam kết lợi nhuận với tỷ lệ cao từ 12% - 15%, thậm chí có trường hợp lên tới 20%. Hoặc, có thêm chiêu mạo danh chủ đầu tư lớn, để lừa nhà đầu tư đặt tiền cọc. Sau khi đặt cọc là biến mất hoàn toàn....

Trước những thủ đoạn tinh vi của giới cò đất dịp cuối năm, nhiều chuyên gia khuyến cáo: Trước khi quyết định đầu tư, người mua cần tìm một công ty môi giới uy tín để tìm hiểu thông tin.

Đặc biệt, khách hàng cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu vực đất dự định mua. Đồng thời, tham khảo thông tin quy hoạch hoặc giá cả khu vực muốn mua đất từ những đơn vị quản lý nhà nước.

Ngoài ra, khách hàng cũng phải tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực xung quanh trong bán kính từ 3 - 5 km để so sánh giá. Nếu mức giá chênh lệch quá cao trên 10%, chắc chắn đây là "sóng" ảo và phải đề phòng trước khi quyết định xuống tiền đầu tư.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm