Hỗ trợ doanh nghiệp

Bất ngờ trước khả năng làm "công nghiệp hỗ trợ" của các doanh nghiệp Việt

Từ việc hoạt động không tuân theo nguyên tắc cơ bản, không quản lý năng suất, còn sử dụng nhiều nhân lực,... đến nay, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện rất nhiều nhờ chương trình Hợp tác Đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam do Samsung và Bộ Công Thương tổ chức.

Ông Hoàng Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty 4P, một công ty sản xuất, lắp ráp và cung cấp vỉ mạch cho các thiết bị điện tử chia sẻ rằng, ngành công nghiệp điện tử luôn thay đổi nhanh và mạnh nên dù công ty ông có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn thiếu sót và cần cố gắng hơn.

Theo ông Trí, mục tiêu của công ty là đạt được chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu và luôn hướng tới việc tối ưu hóa giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này thì cần thay đổi rất nhiều.

Chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt là sự khẳng định cam kết, nỗ lực của Samsung trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và sự hiện diện của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng phụ kiện cho Samsung. Ảnh: Hồng Vân.

“Nhờ có chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt của Samsung, công ty chúng tôi đã có sự thay đổi rất lớn trong tổ chức, sản xuất”, ông Trí nói.

Cụ thể, nhiều công đoạn sản xuất của doanh nghiệp tăng năng suất đến 85%, cách vận hành, sử dụng máy móc, đào tạo nhân lực, chuyên gia tư vấn trong nước cũng được bài bản hơn.

Trong chuyến khảo sát sau chương trình hỗ trợ 3 doanh nghiệp phía Bắc, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam nhận định: “Tôi đánh giá cao tiềm năng, ý chí và quyết tâm to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với những hỗ trợ từ Samsung, chỉ trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã nhận thấy rõ kết quả của những nỗ lực đổi mới nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Từ đó, tạo ra những doanh nghiệp cung ứng hạt nhân nòng cốt, có tác động lan tỏa đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam”.

Được biết, ngoài doanh nghiệp của ông Trí, các chuyên gia Hàn Quốc cũng khảo sát, đánh giá 5 doanh nghiệp khác và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng, nhằm cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

Ông Vũ Khánh, Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, qua việc Samsung hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn là người Việt Nam, có thể thấy chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương rất chú trọng đến thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước để hội nhập cùng thế giới.

 

“Chuyến khảo sát và đánh giá các doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình này cho thấy tất cả các công đoạn trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp đều rất bài bản, khác rất nhiều so với 3 tháng trước khóa học”, ông Khánh cho hay.

“Tôi hy vọng qua bước đầu học tập, học viên có thể tiếp nhận được những kinh nghiệm, kiến thức mà Samsung hỗ trợ để phát huy và áp dụng tại doanh nghiệp trong nước”, ông Khánh nói thêm.

Samsung có khoảng 160.000 lao động trực tiếp và 40.000 lao động gián tiếp tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vân.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH điện - điện tử Mê Trần Vĩnh Phúc, một trong những công ty cũng tham gia chương trình hỗ trợ của Samsung chia sẻ rằng, dù thời gian khá ngắn nhưng công ty đã nỗ lực thực hiện những thay đổi cụ thể về sản xuất.

Theo ông Hùng, công ty ông đang tiến hành xây dựng nhà máy mới và tất cả những ý kiến mà chuyên gia Samsung đưa ra sẽ được áp dụng vào nhà máy mới này.

Ngoài ra, cùng với cam kết chung tay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tính nay nay tổng số các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ: từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp vào năm 2017 và tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

 

Qua đó có thể thấy, nếu doanh nghiệp Việt có nội lực tốt, nhận được đơn hàng đủ lớn, có sự hỗ trợ của Nhà nước thì hoàn toàn có thể lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp hạt nhân trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo