Hỗ trợ doanh nghiệp

Big C "làm khó" doanh nghiệp Việt: Bộ Công Thương nói không can thiệp

(DNVN) - Trước thông tin phàn nàn của nhiều doanh nghiệp về những rào cản đặt ra, gây khó cho hàng nội của siêu thị Big C, Đại diện Bộ Công Thương khẳng định Nhà nước sẽ không can thiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng về việc phân biệt đối xử...

Vừa qua, việc một số siêu thị lớn, trong đó có Big C đề nghị các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa tăng mức chiết khấu đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng, việc tăng chiết khấu của hệ thống siêu thị này nhằm mục đích "đuổi khéo" hàng Việt Nam để thay thế hàng "Thái" mà ông chủ mới của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam là người Thái Lan.

Trước việc tăng chiết khấu được cho là quá ngưỡng chịu đựng, hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C.

Cụ thể, mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có công văn gửi cho ban lãnh đạo hệ thống siêu thị BigC đề nghị tăng cường hợp tác & đề nghị không tăng chiếu khấu trong hợp đồng mới và giảm tổng mức chiết khấu cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó trước việc hệ thống siêu thị Big C tăng chiết khấu.

Tại văn bản, Vasep cho biết, việc một số hệ thống các siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự & hoạt động chưa ổn định đã ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của cả siêu thị và doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng. Để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, thời điểm hiện tại tháng 3-4/2016, các siêu thị có gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. 

"Trong đó, hệ thống siêu thị BigC đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25% - 5%, khiến hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao vẫn hợp tác với BigC nhưng vẫn có thể sống sót và được một chút lợi nhuận để tái đầu tư", Vasep bức xúc.

Tại công văn đề nghị, Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp thủy sản khẳng định sẽ luôn mong muốn được hợp tác chặt chẽ và đôi bên cùng có lợi với các đối tác trong chuỗi, đặc biệt là Big C. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh hàng hóa đặc thù này đang có chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Trong khi đó, hiện tại, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang hợp tác cùng BigC với tổng mức chiết khấu cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư.

Chính vì vậy, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam và CLB các doanh nghiệp cung cấp hàng nội địa Vasep đề nghị ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.

 

Lên tiếng về việc dư luận cho rằng Big C đang chèn ép doanh nghiệp Việt Nam, trả lời trên báo điện tử Chính phủ, ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông hệ thống Big C, khẳng định: “Big C không gây sức ép lên bất kì doanh nghiệp nào, hàng hóa giá thành hợp lý, phù hợp thì Big C sẵn sàng nhập. Thuận mua vừa bán. Hiện 90-95% hàng hóa tại Big C là hàng Việt Nam, không có chuyện đẩy hàng Việt Nam để nhập hàng Thái Lan”.

Đồng thời, ông Nguyên cho biết thông tin về chiết khấu cao mới chỉ là thông tin nghe được nên Big C rất khó xử lý, nếu doanh nghiệp hoặc đơn vị nào có khiếu nại, có thể gửi văn bản, email trực tiếp về hệ thống siêu thị, khi đó Big C sẽ có bộ phận chuyên môn trả lời cụ thể từng trường hợp theo đúng quy trình.

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc mua bán, nhập hàng của các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ đều theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp. Trừ trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng về việc Big C phân biệt đối xử với mặt hàng của mình thì cung cấp để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo