Bộ Công Thương lập Ban Chỉ đạo xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ
Theo quyết định số 4898, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án lớn ở một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành Công Thương; đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của các dự án; xác định vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai dự án; chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận; kiến nghị các phương án giải quyết cụ thể đối với từng dự án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và tổ chức triển khai thực hiện.
Ban Chỉ đạo có 16 thành viên bao gồm Tổ Giúp việc gồm lãnh đạo Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế và cán bộ của các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trong đó cũng nhắc đến việc xử lý các dự án thua lỗ.
Theo đó, đối với các dự án thua lỗ gây bức xúc dư luận thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; khẩn trương xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã chất vấn 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản thuộc Bộ Công Thương đó là Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo