Bộ Công Thương ra Chỉ thị gỡ vướng cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua cho năm 2016 là tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10%, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
a) Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như: lúa gạo, nông sản, thủy sản, tình hình sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản trong nước và diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ điều hành xuất khẩu nói chung và gạo, nông sản, thủy sản nói riêng.
b) Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, các Cục, Vụ quản lý sản xuất phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.
c) Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để trao đổi về tình hình xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp hỗ trợ, tăng cường tiêu thụ nông sản, các biện pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
d) Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục theo dõi biến động của tình hình tỷ giá và lãi suất trong nước và trên thế giới; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành tỷ giá, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
đ) Cục Quản lý cạnh tranh, các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản này và kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản mới của thị trường nhập khẩu tới các Hiệp hội, doanh nghiệp.
e) Cục Quản lý cạnh tranh chủ động đưa các cảnh báo kịp thời trên hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam (tại địa chỉ website canhbaosom.vn hoặcearlywarning.vn) nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dự báo trước nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chủ động ứng phó với các vụ kiện, giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá gây ra.
g) Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng liên quan tiếp tục đề xuất, chỉ đạo thực hiện các biện pháp khuyến khích sản xuất, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ trọng hàng gia công lắp ráp; có giải pháp phù hợp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng sản xuất có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn.
h) Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, khai thác tốt các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới tiềm năng.
i) Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản, thóc, gạo theo đường biên mậu khi thực hiện Thông tư 52/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương.
k) Sở Công Thương các tỉnh biên giới tăng cường theo dõi diễn biến tình hình, tổng hợp báo cáo thông tin, số liệu về xuất khẩu, nhập khẩu thóc, gạo, nông sản, thủy sản qua biên giới, kể cả dưới hình thức trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; đề xuất biện pháp quản lý, điều hành phù hợp để bảo đảm hoạt động xuất khẩu thóc, gạo qua cửa khẩu biên giới được ổn định, tránh rủi ro cho phía Việt Nam.
l) Vụ Thị trường trong nước chủ trì theo dõi sát tình hình sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản trong nước, diễn biến và tác động ảnh hưởng của tình hình thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất, nuôi trồng nông sản, thủy sản, lúa gạo của cả nước, nhất là tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; theo dõi, thường xuyên cập nhật báo cáo, dự báo diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo, nông sản, thủy sản trong nước với Lãnh đạo Bộ; đảm bảo cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, số liệu cần thiết về thị trường lúa gạo, nông sản, thủy sản trong nước phục vụ công tác điều hànhxuất khẩu.
m) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát tình hình sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản trên địa bàn, thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ diễn biến tình hình và tác động ảnh hưởng của thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết bất thường khác đến sản xuất, nuôi trồng nông sản, thủy sản, lúa gạo trên địa bàn để có thông tin, số liệu cần thiết phục vụ công tác điều hành chung...
End of content
Không có tin nào tiếp theo