Hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Công Thương sẽ trực tiếp giám sát dự án thép Cà Ná của Hoa Sen

(DNVN) - Trả lời báo chí, đại diện Bộ Công Thương cho biết thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, Bộ sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.

Theo TTXVN, liên quan đến những lo ngại khi dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận do Hoa Sen Group làm chủ đầu tư được đưa vào quy hoạch và tiến hành xây dựng, vận hành sẽ gây ra những tác hại về môi trường như trường hợp của Formosa, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho hay, về môi trường, với trình độ hiện nay, công nghệ để giải quyết môi trường tại các dự án thép là không có gì khó khăn.

Song nếu dự án được triển khai, thì quan trọng là sự tuân thủ của chủ đầu tư và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai dự án.

Do đó, ông Hoài cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải phối hợp tốt hơn, triển khai giám sát chặt chẽ hơn; cộng đồng người dân cũng có thể tham gia giám sát dự án.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải xem lại quy trình xử lý thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường để không gây ra những tác hại đến môi trường và phát triển bền vững. 

Phối cảnh dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

"Hiện nay, các văn bản pháp luật về môi trường, về đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Và từ bài học Formosa, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm, kể cả trong quá trình đánh giá tác động môi trường và vận hành các dự án thép.

Ông Hoài cho rằng, theo luật, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì giám sát vấn đề môi trường của các dự án này, nhưng Bộ Công Thương cũng sẽ tham gia để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch ngay ở giai đoạn lập thiết kế cơ sở.

"Cụ thể, thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, bộ sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó" - ông Hoài cho hay. 

Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng, thực tế thời gian qua Việt Nam mới chỉ sản xuất được thép xây dựng, chưa sản xuất được thép phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo và phải nhập khẩu hoàn toàn loại thép này với số lượng khoảng 13 triệu tấn mỗi năm. Theo đó, nhập siêu của ngành thép mỗi năm vào khoảng 7 tỷ USD.

Theo Quyết định 2146 ngày 1/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hình thành các doanh nghiệp có quy mô trên 3 triệu tấn, tập trung sản xuất một số loại thép mà ngành công nghiệp trong nước còn thiếu như thép tấm, thép chế tạo phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ. 

 

Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cũng cho hay, định hướng của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, phải hình thành doanh nghiệp thép có quy mô lớn để đảm bảo sức cạnh tranh và tận dụng nguồn quặng sắt hàng tỷ tấn mà Việt Nam đang có. Chính phủ cũng định hướng hình thành các Tổ hợp thép lớn mà chỉ có công nghệ lò cao mới sản xuất được.

Theo Vụ Công nghiệp nặng, hiện dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận còn phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lại, nếu dự án tiền khả thi thì sau đấy mới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và còn nhiều bước tiếp theo. Như vậy là còn nhiều bước để đến khâu xây dựng, khởi công nhà máy.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa thẩm định vì theo quy định của Luật Đầu tư, tỉnh Ninh Thuận phải nộp hồ sơ, thẩm định xong hồ sơ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Dự án có được Chính phủ chấp thuận hay không còn phải xem hồ sơ, khả năng chứng minh năng lực tài chính, báo cáo đánh giá tác động môi trường… 

Như thông tin đã đưa, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã Công bố thông tin về Biên bản hội nghị và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015-2016. Theo nội dung công bố, Đại hội đã nhất trí thông qua chủ trương triển khai đầu tư Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận tại xã Cà Ná và xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với công suất thiết kế đạt 6 triệu tấn/năm.

Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017 đến năm 2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm. Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT quyết định phân kỳ giai đoạn đầu tư; quy mô đầu tư, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn; thời điểm đầu tư; hình thức đầu tư; lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung cấp và đơn vị tư vấn, giám sát. 

 

Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. 

Đáng chú ý, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận cũng đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Thông tin này, ngay lập tức gặp sự phản đối và tranh cãi của dư luận về tác động của dự án đến môi trường lẫn hiệu quả kinh tế.

Rõ rằng, lẽ tất yếu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi của chủ đầu tư cũng như khảo sát chi tiết của các Bộ ngành về dự án thì các chuyên gia kinh tế, môi trường, giới chuyên môn và nhà hoạch định chiến lược mới có thể đánh giá về tác động và tính hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, dự án thép 16 triệu tấn/năm này của Hoa Sen Group ra đời giữa tâm bão ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép Formosa gây ra và thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa đã khiến cho giới phân tích không khỏi quan ngại về khả năng đảm bảo an toàn môi trường cũng như hiệu quả kinh tế của dự án mang lại.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo