Hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Công Thương xóa bỏ hàng loạt thủ tục hành chính gây phiền nhiễu có lợi cho doanh nghiệp

(DNVN) - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 4846 về việc phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017 và có lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý. Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận thủ tục hành chính của Bộ Công Thương.

Các lĩnh vực đơn giản giản hóa gồm: Lĩnh vực kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 TTHC); Lĩnh vực thương mại quốc tế (3 TTHC); Lĩnh vực Công nghiệp nặng (2 TTHC); Lĩnh vực kinh doanh phân bón (7 TTHC); Lĩnh vực kinh doanh tiền chất công nghiệp (1 TTHC); Lĩnh vực hóa chất (11 TTHC); Lĩnh vực điện lực (2 TTHC); Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá (6 TTHC); Lĩnh vực kinh doanh khí (18 TTHC); Lĩnh vực Năng lượng (4 TTHC); Lĩnh vực an toàn thực phẩm (12 TTHC); Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu (19 TTHC); Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (15 TTHC); Lĩnh vực đánh giá sự phù hợp (4 TTHC); Lĩnh vực xúc tiến thương mại (5 TTHC); Lĩnh vực xuất, nhập khẩu (8 TTHC); Lĩnh vực quản lý cạnh tranh (1 TTHC).

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, việc xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính này nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng là lĩnh vực được coi trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, việc xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Mục tiêu coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, suốt nhiều tháng qua công tác rà soát, đơn giản hóa các qui định, TTHC đã được Bộ trưởng và ban Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo rất quyết liệt, trong đó có những lĩnh vực đang được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm như kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu, nhập khẩu xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, kinh doanh khí hóa lỏng, khai báo hóa chất, tiếp cận điện năng, dán nhãn năng lượng...

Trên cơ sở đó, một số quyết định cụ thể được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo đã được các đơn vị khẩn trương triển khai như: ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BCT ngày 12/10/2016 bãi bỏ việc kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may; Sửa đổi Danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng; Sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất...

Tuy nhiên, là Bộ đa ngành đa lĩnh vực, Bộ Công Thương hiện quản lý tới 443 TTHC tại 19 lĩnh vực, ở cả 4 cấp chính quyền (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), thì những nỗ lực đó là chưa đủ. Mặt khác, cải cách TTHC không chỉ là việc TTHC đơn giản hơn mà còn cần minh bạch hóa và hiện đại hóa TTHC. Do đó, việc rà soát, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC để tiếp tục sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, TTHC của ngành cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận TTHC là vô cùng cần thiết.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo