Bộ NN&PTNT thu về 1.974 tỷ từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ này là một trong những Bộ, ngành thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa hiệu quả về tiến độ, số lượng cũng như chất lượng, góp phần quan trọng vào sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của cả nước. Bộ đã sắp xếp, cổ phần hóa 12 Tổng công ty, 2 công ty trực thuộc Bộ; 2 công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ này đã tiến hành cổ phần hóa vượt so với kế hoạch đề ra 4 doanh nghiệp gồm Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Việt Nam, Công ty cao su Tân Biên, Công ty cao su Bà Rịa. Tổng số tiền thu về từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là 1.974 tỷ đồng, đến nay đã có 8 trên 10 Tổng công ty cổ phần hóa đã tổ chức bán cổ phần lần đầu tại Sở giao dịch chứng khoán.
Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 Tập đoàn và 11 Tổng công ty. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành. Số vốn đã thoái tính đến 31/12/2015 được 2.175 tỷ đồng, đạt 39,6% so với kế hoạch…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng cho thấy còn nhiều tồn tại và hạn chế như: tiến độ thực hiện cổ phần hóa một số doanh nghiệp còn chậm do đặc thù ngành nghề chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và đề án tái cơ cấu tại một số đơn vị chưa phù hợp và sát với thực tiễn nên khi triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại vướng mắc; Công tác thoái vốn theo kế hoạch đã duyệt đạt thấp…
Tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Doanh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù vượt so với kế hoạch đề ra về số lượng nhưng chất lượng các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chưa nhiều. Đơn cử số vốn do Nhà nước nắm giữ tại một số doanh nghiệp sau khi cổ phần, tái cơ cấu vẫn còn lớn, có nơi vốn Nhà nước chiếm đến hơn 90% dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sau khi sắp xếp đổi mới phương thức hoạt động vẫn làm theo kiểu cũ khiến hiệu quả chưa cao.
Ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, muốn cổ phần hóa nhanh và hiệu quả phải đổi mới tư duy trong cách làm. Đối với những ngành nghề như nông nghiệp và phát triển nông thôn thì trong Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp thì thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.
"Vì vậy, ở đây những đơn vị, công ty nào chưa cổ phần hóa thì chúng ta sẽ cổ phần hóa theo cách Nhà nước không nắm giữ, còn nếu như các đơn vị đã cổ phần hóa rồi thì bán nốt phần vốn nhà nước đang giữ ở trong các công ty cổ phần. Chúng ta sẽ bán rất nhanh phần vốn đang ở các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và ở các công ty cổ phần", ông Doanh nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức phát nhấn mạnh, việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ là yêu cầu bắt buộc và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, thực tế cho thấy, ở đâu, đơn vị nào người đứng đầu và huy được được cả hệ thống tham gia thì ở đó công tác tái cơ cấu và các hoạt động của doanh nghiệp đạt kết quả tốt. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị trực thuộc Bộ bám sát các quy định của Nhà nước để thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Thời gian tới tập trung sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các nông lâm trường quốc doanh, các công ty nông, lâm nghiệp theo phương châm chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ nhưng đặc biệt phải chú trọng đến chất lượng tái cơ cấu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, để thực hiện tái cơ cấu ngành chúng ta phải làm nhanh hơn. Không cho phép chậm chễ, kém hiệu quả, thất thoát lãng phí tham nhũng. "Đây là một yêu cầu bắt buộc. Đề nghị lãnh đạo các đơn vị quán triệt chủ trương của Chính phủ, Bộ đến tập thể các đơn vị, cán bộ đảng viên để tạo sự đồng lòng và quyết tâm. Từng đơn vị phải có kế hoạch với những giải pháp lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, báo cáo về Bộ và yêu cầu phổ biến rộng rãi trong đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện", người đứng đầu Bộ NN&PTNT nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo