Hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính - Công Thương cũng liên quan đến sai phạm ở Petrolimex

(DNVN) - Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 2280/TB-TTCP về việc thực hiện kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn,tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số đơn vị thành viên.

Tại kết luận thanh tra, ngoài chỉ ra những mặt ưu điểm, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại  Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chỉ ra những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp tại Tập đoàn và những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các Công ty xăng dầu thành viên.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phát hiện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất, Petrolimex và các đơn vị thành viên cũng đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm. Đáng chú ý, cơ quan thanh tra cũng đã phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước của Tập đoàn, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính - Công Thương cũng liên quan đến sai phạm ở Petrolimex.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, quá trình thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong thời gian từ tháng 1/2010-6/2013 khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex và Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở vào các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex.

Bên cạnh đó, trong các yếu tố cấu thành giá bán, giá xăng dầu thế giới là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn và thường xuyên biến động làm ảnh hượng trực tiếp đến giá bán xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, trong quý I/2010 các thương nhân đầu mối trực tiếp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới để các thương nhân đầu mối sử dụng trong việc tính toán, xác định giá cơ sở xăng dầu là chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP cua Chính phủ.

Ngoài ra, Petrolimex chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong quý I/2010 thương nhân đầu mối được quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, lần điều chỉnh giá ngày 21/2/2010, Tập đoàn không thực hiện điều chỉnh giá với mặt hàng dầu hỏa và dầu Mazut.

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam còn quyết định mức tăng giá bán lẻ xăng dầu vùng 2 cao hơn giá bán lẻ do Liên Bộ điều hành trong giai đoạn hoạt động kinh doanh xăng dầu thực hiện theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, với mức tăng không quá 2% giá bán do Liên Bộ điều hành là phù hợp với thực tế và sau này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điểm 1, Điều 5, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ Tài chính đã có văn bản cá biệt cho phép Petrolimex áp dụng tỷ giá ngoại tệ theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trong hạch toán kinh doanh xăng dầu là chưa phù hợp với quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2016 của Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, nội dung nêu trên sau này đã được Chính phủ cho phép tại Điểm 9, Điều 3, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm trên thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các tổ chức cá nhân có liên quan thuộc Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Dựa trên những sai phạm, về kiến nghị xử lý cơ chế, chính sách, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, ban hành phương pháp xác định yếu tố chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm đối với xăng dầu nhập khẩu khi xác định giá cơ sở xăng dầu.

Bộ Tài chính xem xét, quy định chế độ hạch toán kế toán đối với việc bán xăng dầu theo hình thức "hợp đồng đại lý bao tiêu" để quản lý chặt chẽ, minh bạch giá bán và chi phí thù lao các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Petrolimex kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể thuộc Tập đoàn và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm quản lý hoạt động kinh doanh.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu nêu trên. 

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo