Bộ Tài chính lý giải về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Chiều 16/3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tại cuộc họp, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và một số lãnh đạo khác đã lý giải vì sao Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có được khối tài sản lớn tại Công ty bóng đèn Điện Quang.
Cụ thể, theo ông Tiến, do cơ chế ưu tiên bán cổ phần được áp từ trước có thể đã giúp một số lãnh đạo và gia đình trở thành chủ doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
Ông Tiến cho biết, với quy định tại Nghị định 64/2002 về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, việc cán bộ mua cổ phần khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi được khuyến khích. "Khi đó Đảng viên, cán bộ Nhà nước phải đi đầu trong việc mua cổ phần. Còn sau này thực hiện theo thị trường thì sẽ khác", ông Tiến nói thêm.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định không có lỗ hổng trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà Nước. Sự việc liên quan đến tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khi cổ phần hóa Công ty Điện Quang sẽ cần chờ kết quả thanh tra của cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Tiến, trong Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy định về việc công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nếu xảy ra trường hợp thu nhập, tài sản bất ngờ gia tăng đều phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm tra xem nguồn thu nhập, tài sản đó.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Long - Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp cho biết, hiện tượng thâu tóm cổ phần tại Công ty Điện Quang là do quá trình thực hiện bán vốn tại công ty cổ phần.
Theo ông Long, với cơ chế cổ phần hoá thí điểm từ năm 1992 thì lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, người có khả năng cống hiến... được mua cổ phần theo 2 tiêu chuẩn.
Cụ thể, một là, mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực Nhà nước như đối với tất cả cán bộ, không phân biệt là lãnh đạo doanh nghiệp hay nhân viên.
Theo ông Long phân tích, mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà nước lãnh đạo được mua 100 cổ phần giá ưu đãi bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công. “Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng được ưu đãi như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cổ phần hóa với chính sách mua ưu đãi bình đẳng như nhau dựa trên số năm làm việc”, ông Long nói.
Tiêu chuẩn thứ 2 là, với người lao động là chuyên gia trong doanh nghiệp Nhà nước có trình độ cao, chuyên gia ngoài ưu đãi theo số năm công tác như trên còn tiếp tục được mua ưu đãi thêm nhưng không phải giảm giá như trên mà mua theo giá đấu thành công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo