Hỗ trợ doanh nghiệp

Bỏ thuế nhập khẩu, cơ hội chia đều

Hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam khi thuế NK được dỡ bỏ thì giá cả sẽ giảm và chủng loại cũng đa dạng, phong phú hơn. Người được hưởng lợi đầu tiên là người tiêu dùng Việt Nam vì sẽ phải bỏ ít tiền hơn để sở hữu những món đồ tốt.
 
Bộ Tài chính mới đây đã ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt với một loạt nhóm mặt hàng nhằm thực hiện Hiệp định kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019. Theo đó từ ngày 1/4, có hơn 3.200 mặt hàng NK từ Nhật Bản được hưởng thuế suất 0%. Nhóm mặt hàng thuế NK 0% gồm: chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hóa chất, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
 
 
 
 
Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2014 kim ngạch NK hàng hóa từ Nhật Bản của Việt Nam ước khoảng 12,9 tỷ đồng. Trong đó các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng công nghiệp và dân dụng chiếm khoảng 30% (3,7 tỷ đồng) các loại máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử đạt gần 2 tỷ đồng.
 
 
 
Với việc hơn 3.200 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản trở về mức thuế 0%, nhiều người lo ngại hàng Nhật sẽ ồ ạt sang Việt Nam với giá rẻ hơn, ùa vào những trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ đã và đang xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
 
 
 
Thực tế, trong vòng 2-3 năm gần đây, các đại gia bán lẻ Nhật Bản đang quyết liệt giành thị phần phân khúc bán lẻ của Việt Nam. Minh chứng rõ ràng đó là việc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) hợp tác cùng với Fivimart, Citimart để đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ quan trọng thứ 2 của Aeon tại Đông Nam Á. Hiện các hệ thống siêu thị Fivimart và Citimart đều là những chuỗi siêu thị có giá trị và thế mạnh. Mỗi đơn vị có khoảng 20 siêu thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
 
 
 
Chính điều này khiến nhiều DN trong nước quan ngại rằng hàng hóa Nhật Bản sẽ làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân các thành phố lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đẩy mạnh chương trình khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
 
 
 
Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia về thương hiệu, hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam khi thuế NK được dỡ bỏ thì giá cả sẽ giảm và chủng loại cũng đa dạng, phong phú hơn. Người được hưởng lợi đầu tiên là người tiêu dùng Việt Nam vì sẽ phải bỏ ít tiền hơn để sở hữu những món đồ tốt.
 
 
 
Quan sát thực tế tại thị trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy hiện nay, ngoài hệ thống các siêu thị của Aeon thì các hệ thống bán lẻ khác như chuỗi siêu thị Akuruhi và các cửa hàng tiện lợi bán hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản như Hachi Hachi, Tokutokuya… cũng đang bắt đầu bành trướng thị phần và được người tiêu dùng ưa chuộng. So sánh với các chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini của BigC, Saigon Co.op… các siêu thị hàng hóa Nhật Bản có mặt bằng giá cao hơn, nhưng lại có nhiều sản phẩm với mẫu mã và chất lượng tốt hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước.
 
 
Đặc biệt, tại một số chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản hiện nay, nhờ chương trình bán hàng đồng giá đã thu hút khá lớn lượng khách là các gia đình giới trẻ và học sinh sinh viên. Một trong những điểm tiện lợi dễ thấy nhất ở cửa hàng loại này là người tiêu dùng có thể mua một nửa sản phẩm. Chẳng hạn, nếu người ta đã mua sản phẩm nồi thủy tinh nhưng vô tình bị vỡ nắp, thì có thể đến đây mua thêm một nắp nồi mới. Đây là điều không thể làm được nếu mua sản phẩm nội địa tại các siêu thị khác trong nước.
 
 
 
Trở lại việc hơn 3.200 mặt hàng NK từ Nhật Bản được áp dụng mức thuế 0%, có thể nói công bằng rằng ở đây cơ hội chia đều cho cả phía Việt Nam và Nhật Bản. Hiện Việt Nam cũng đang xuất khẩu (XK) thường xuyên trên 30 nhóm mặt hàng vào thị trường Nhật với giá trị 14,7 tỷ USD. Trong năm 2014 nhiều mặt hàng như dệt may, thủy sản, phương tiện vận tải… cũng đạt kim ngạch XK hàng tỷ USD. Việc dỡ bỏ thuế NK cũng sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam rộng cửa, hiên ngang vào thị trường Nhật. Nếu các DN Việt Nam có đủ tiềm lực và chiến lược đúng đắn, thì cũng có thể đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị hàng Việt tại Nhật Bản.
 
 
 
Còn riêng thị trường trong nước, việc tràn ngập hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản là một xu hướng tất yếu và bình thường và có lợi cho người tiêu dùng. Các DN nước ngoài đến đầu tư thường phải bỏ vốn lớn cho khâu tìm hiểu, nghiên cứu và thâu tóm thị phần, vì thế nếu các DN trong nước có kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá, đầu tư cho chất lượng sản phẩm thì không phải quá lo rằng người tiêu dùng sẽ sính ngoại quay lưng với hàng hóa Việt.
(Theo Thời báo ngân hàng)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo