Hỗ trợ doanh nghiệp

Bosch xin hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư

Chỉ vì 1 triệu USD là chính, 230 triệu EUR là thêm, mà Robert Bosch Việt Nam có nguy cơ không nhận được bất cứ ưu đãi đầu tư nào.

Gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cuối tuần trước, ông Martin Hayes, Chủ tịch Bosch khu vực Đông Nam Á một lần nữa đề cập những vướng mắc mà Bosch Việt Nam đang gặp phải.

 

“Chúng tôi rất mong sớm nhận được câu trả lời của Chính phủ Việt Nam để quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam để mở rộng sản xuất, hay sẽ ra đi”, ông Hayes nói và cho biết, hiện Bosch đã ký thêm nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các nhà sản xuất ô tô lớn, trong đó có Honda, do vậy đang chịu áp lực của việc phải sớm mở rộng hoạt động đầu tư và sản xuất.

Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (của Tập đoàn Robert Bosch - Đức), được thành lập từ cuối năm 2007 tại TP.Hồ Chí Minh với ngành nghề kinh doanh chính là thực hiện quyền xuất nhập khẩu hàng hóa.

 

 

 

 

Vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp này chỉ là 1 triệu USD. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu thị trường Việt Nam, tháng 5/2008, Robert Bosch quyết định thành lập một chi nhánh ở Khu công nghiệp Long Thành (tỉnh Đồng Nai), để triển khai dự án nhà máy sản xuất phụ tùng và bộ phận trụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe, với vốn đầu tư theo kế hoạch đến năm 2015 là 230 triệu EUR (tương đương 330 triệu USD).

Chỉ 4 năm sau khi nhận chứng nhận đầu tư, nhà máy của Robert Bosch đã đạt được những thành quả nhất định. 80 triệu EUR đã được Bosch đưa vào triển khai. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Nhà máy đã đạt 125 triệu EUR. Nhà máy cũng đã tạo việc làm cho khoảng 400 người.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, khi vốn đầu tư tăng lên, công suất Nhà máy sẽ tăng lên 5,7 triệu dây đai truyền lực biến đổi liên tục dùng trong hộp số tự động ô tô/năm, với tỷ lệ nội địa hóa 80%, đạt kim ngạch xuất khẩu 290 triệu EUR và tạo việc làm cho khoảng 1.500 nhân viên.

 

Bosch cũng đã công bố kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam và theo khẳng định của ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Robert Bosch, thì kế hoạch này sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

“Chúng tôi cũng đang xin giấy phép để mở thêm dịch vụ sửa chữa các sản phẩm của Bosch tại Việt Nam”, ông Huệ cho biết.

Tuy nhiên, dù rất mong muốn đầu tư mở rộng và lâu dài tại Việt Nam, song Robert Bosch đang cân nhắc kế hoạch này.

 

Lý do là, hiện tại, dự án của Bosch chưa được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù nhà máy của Bosch ở Đồng Nai đáp ứng đủ tiêu chí là dự án công nghệ cao và dự án phát triển công nghiệp phụ trợ trong ngành ô tô. Chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã đánh giá cao dự án này và cho biết, đây là hai lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển.

Câu chuyện nằm ở chỗ, dự án chính của Robert Bosch lại ở TP.Hồ Chí Minh, với vốn đầu tư 1 triệu USD, còn nhà máy ở Đồng Nai, vì khi triển khai dự án, không thành lập pháp nhân mới, mà chỉ là chi nhánh, nên không được coi là cơ sở sản xuất mới thành lập. Chỉ là “thêm”, là phần mở rộng, nên theo quy định hiện hành, nhà máy này không được hưởng ưu đãi đầu tư.

 

Bosch, vì thế, đã “đâm đơn” xin được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư cho nhà máy của mình và quyết định tiếp tục mở rộng dự án này ở Đồng Nai hay không phụ thuộc rất lớn vào việc các kiến nghị của Bosch có sớm được giải quyết hay không.

“Kiến nghị của Robert Bosch là chính đáng, việc các quy định pháp luật hiện hành không cho dự án mở rộng được hưởng ưu đãi đầu tư là bất hợp lý”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ sự ủng hộ dự án của Bosch.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cho biết, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo kế hoạch phải tới năm 2013 mới được sửa đổi và có thể phải tới khi ấy, các quy định liên quan tới vấn đề này mới được sửa đổi.

Bởi vậy, phương án hữu hiệu đối dự án của Robert Bosch trong lúc này là phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ một cơ chế đặc thù cho dự án.

 

Chính phủ cũng đã vừa đồng ý để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác xem xét cơ chế ưu đãi đầu tư cho dự án được đánh giá là đáp ứng tiêu chí là một dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, có vốn đầu tư lớn, có tác động lan tỏa tốt tới phát triển kinh tế - xã hội này.

 

Thêm nữa, chi nhánh của Công ty tại Đồng Nai thực chất là một dự án sản xuất phụ tùng tại Việt Nam, còn trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh chỉ hoạt động thương mại.

 

Theo Báo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo