Hỗ trợ doanh nghiệp

BSR: Doanh nghiệp đầu tàu của Tập đoàn Dầu khí

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp dầu khí đang gặp khó khăn thì Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn lại hoạt động khả quan, trở thành đầu tàu của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 21/6/2018, tại Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất năm 2018. Dự đại hội có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ban Tổng giám đốc và các cổ đông là người lao động BSR. Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lớn mạnh của Lọc dầu Dung Quất và mở cánh cửa ra với thế giới để Công ty có những bước phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Liên tục và hiệu quả

Thời gian qua, BSR liên tục sản xuất kinh doanh rất khả quan, trở thành doanh nghiệp đầu tàu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau 9 năm đi vào hoạt động (từ tháng 2/2009), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạo ra doanh thu khoảng 38 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7 tỉ USD - gấp đôi tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Đại hội đồng cổ đông BSR đã bầu 5 thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nhiệm kỳ I (2018-2022), ông Lê Xuân Huyên được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐTV; ông Trần Ngọc Nguyên được bầu làm Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Năm 2017, Công ty sản xuất hơn 6,1 triệu tấn, doanh thu đạt 82.027 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 9.919 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.663 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, BSR ước sản xuất khoảng 3,57 triệu tấn sản phẩm, tiêu thụ 3,6 triệu tấn, đạt 57,2% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 55.359 tỷ đồng, thực hiện 70,9% kế hoạch năm, nộp NSNN đạt 5.809 tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm. Công ty ước lợi nhuận sau thuế 2.947 tỷ đồng, tương đương 84,7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018.

Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của BSR do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động an toàn, ổn định ở công suất tối ưu. Đồng thời, Công ty kiểm soát rất tốt mức tiêu hao dầu thô, thực hiện tốt công tác tối ưu hóa, công tác quản trị và tiết kiệm chi phí nên BSR đã duy trì giá thành sản phẩm rất cao so với hàng nhập khẩu. Đây cũng là các nguyên nhân tích cực làm tăng lợi nhuận cho Công ty.

Năm 2018, BSR phấn đấu đạt 6,3 triệu tấn sản phẩm, tạo ra doanh thu 78.108 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.480 tỷ đồng.

Mục tiêu chiến lược của BSR giai đoạn 2018-2022 là xây dựng đơn vị trở thành một công ty lọc hóa dầu chủ động, năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh ở mức cao gắn liền với bảo vệ môi trường, an toàn và tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội. Các mục tiêu chính Công ty đề ra cho giai đoạn 2018-2022: Tập trung tổ chức hoạt động sản xuất an toàn, ổn định, hiệu quả, làm chủ công nghệ và bền vững. Cơ bản hoàn thiện Dự án NCMR NMLD Dung Quất vào năm 2020 và tiến hành kết nối vào năm 2021, đưa cụm Dự án Nâng cấp mở rộng đi vào hoạt động an toàn, ổn định và đạt hiệu quả cao từ năm 2022.

Hội nhập quốc tế

 

Ngày 17/1/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đã được đấu giá thành công, nhà nước thu về 5.417 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm (cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ). Ngày 01/3/2018, toàn bộ cổ phần của BSR đã được đưa lên sàn UPCoM và cổ phiếu của BSR là tâm điểm của nhiều nhà đầu tư quan tâm trong và ngoài nước.

Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lớn mạnh của Lọc dầu Dung Quất và mở cánh cửa ra với thế giới để Công ty có những bước phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Thành công trên đã  vượt ngoài mong đợi của Công ty BSR và cũng là tiền đề để Công ty tiếp tục thoái vốn của nhà nước khi chuyển sang mô hình hoạt động công ty cổ phần. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư quốc tế đã làm việc với BSR để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư như Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam), Công ty Dầu lửa quốc gia Ấn Độ (Nation Indian Oil Corporation), Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)…  Đây là lĩnh vực có hiệu quả rất cao hiện nay cũng như trong tương lai, nhờ tận dụng cơ sở hạ tầng nhà máy lọc dầu đã đầu tư sẵn có hiện nay, cũng như tiềm năng phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu trong tương lai.  

Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, BSR sẽ hội tụ đủ năng lực và điều kiện để tự chủ một phần chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, BSR sẽ thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Việc nâng cấp này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022. Sau khi hoàn thành, BSR sẽ nâng công suất chế biến dầu thô của nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn Euro V. Việc NCMR sẽ tăng độ linh động trong việc lựa chọn dầu thô đầu vào, không còn phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ đang dần sụt giảm dần về sản lượng. NMLD Dung Quất sẽ chủ động hơn khi ứng phó các diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà máy với các nhà máy trong và ngoài nước.

Mục tiêu chiến lược của BSR là xây dựng doanh nghiệp trở thành một công ty lọc hóa dầu có năng lực cạnh tranh hàng đầu khu vực trong lĩnh vực lọc hóa dầu.

Đại hội đồng cổ đông BSR đã bầu 5 thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nhiệm kỳ I (2018-2022), ông Lê Xuân Huyên được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐTV; ông Trần Ngọc Nguyên được bầu làm Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

 

Nên đọc
Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo