Bức xúc với các dự án tỷ USD chậm tiến độ
Nhiều dự án tỷ USD vẫn tiếp tục chậm tiến độ, nguồn lực bị hoang phí, khiến dư luận bức xúc.
Cuối cùng, kết cục có hậu vẫn chưa đến với Dự án Thép Guang Lian (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 3 tỷ USD. Lý do là trong văn bản mới đây trả lời về các kiến nghị ưu đãi cho nhà đầu tư JFE (Nhật Bản), Chính phủ không bác bỏ, cũng chưa thấp thuận các đề xuất này, mà chỉ yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi làm rõ hơn về việc JFE có thực sự muốn đầu tư vào dự án này hay không.
Trong khi chưa có được câu trả lời cuối cùng của tập đoàn thép lớn thứ hai của Nhật Bản, xem ra, Dự án Thép Guang Lian vẫn sẽ tiếp tục đình trệ sau gần 10 năm triển khai.
Cụ thể, theo một văn bản được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo tình hình triển khai của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Dự án Thép Guang Lian triển khai rất chậm so với tiến độ cam kết trong Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo báo cáo của tỉnh này, Dự án hiện mới triển khai xây dựng một số hạng mục như các khối nhà của khu nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào tạm, đóng một số cọc trên mặt bằng nhà máy giai đoạn I. Tổng giá trị giải ngân của Dự án, cho tới nay, chỉ vào khoảng 73 triệu USD trong tổng số 3 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký hiện tại.
Và thực tế, Dự án cũng đã dừng triển khai từ năm 2010, mà một phần là vì chủ đầu tư muốn chờ đợi Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nâng vốn đầu tư của Dự án lên 4,5 tỷ USD.
Số phận tưởng đã tốt đẹp hơn với dự án này, khi đầu năm 2012, E-United (Đài Loan, một trong hai chủ đầu tư của Dự án. Nhà đầu tư còn lại là Tycoons) và JFE đã ký thỏa thuận cùng triển khai Dự án. Song sau một thời gian nghiên cứu, thì chính JFE cũng từng xin giãn tiến độ báo cáo nghiên cứu khả thi và kế hoạch triển khai.
Một thông tin khác cũng rất đáng chú ý, đó là phía JFE cũng đã từng bày tỏ quan điểm cho rằng, kể cả trong trường hợp mọi đề xuất của nhà đầu tư được Chính phủ Việt Nam đồng ý, cũng chưa thể triển khai Dự án ngay được vì những yếu tố quan ngại nêu trên và vì sự chưa sẵn sàng của Hội đồng Quản trị Tập đoàn.
Số phận của Dự án Thép Guang Lian xem ra khá bấp bênh, dù cho cũng chưa có cảnh báo nào từ tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến việc thu hồi dự án này. Ngược lại, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thậm chí rất thiết tha với việc JFE đầu tư xây dựng Dự án, nên suốt thời gian qua, đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi Dự án chậm triển khai, khiến người dân và dư luận bức xúc, thì việc tìm một hướng đi mới trong trường hợp JFE không tham gia Dự án là điều cần được cân nhắc.
Cũng đã “tính đến” phương án mới, nên UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã cảnh báo việc thu hồi Dự án Bãi Dài Resort của nhà đầu tư Starbay, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Như Báo Đầu tư đã thông tin, cuối tuần qua là thời hạn mà Kiên Giang đưa ra buộc Starbay phải thực hiện một loạt điều kiện, như nộp hồ sơ xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng và nộp tiền ký quỹ đầu tư 20 tỷ đồng...
Tình trạng nhiều dự án tỷ USD khác chậm tiến độ cũng đang gây bức xúc trong dư luận, bởi đi kèm với các dự án tỷ USD, là quy mô đất sử dụng lớn. Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, vốn đầu tư 2,25 tỷ USD của nhà đầu tư Jaks Berhard Malaysia, cũng bị UBND tỉnh Hải Dương xếp vào diện chậm triển khai. Không chỉ chậm triển khai, chủ đầu tư Jaks còn đang dính dáng tới các khoản nợ mà UBND tỉnh Hải Dương phải nhiều lần phát văn bản đòi nợ.
Sau khi hoàn trả ngân sách tỉnh Hải Dương khoản tiền hơn 200 tỷ đồng khoản tạm ứng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, thì mới đây Jaks lại tiếp tục bị đòi khoản tiền mà UBND tỉnh Hải Dương đã tạm ứng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằngcho Dự án, trị giá hơn 9,2 tỷ đồng. UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần yêu cầu, nhưng Jaks chưa hoàn trả.
Các dự án của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) ở Đồng Nai và TP.HCM cũng thuộc diện quá chậm triển khai, khiến đất đai hoang hóa, cỏ mọc um tùm.
Trong khi đó, không phải dự án tỷ USD, song thông tin mới đây liên quan đến Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung của Tập đoàn Rocky Lai & Associates (Hoa Kỳ), vốn đầu tư 278 triệu USD, cũng khiến dư luận sốt ruột.
Đặt mục tiêu rất lớn, biến Dự án thành Thung lũng Silicon ở Việt Nam, song kể từ khi khởi công xây dựng từ năm ngoái, Dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí, tiền ký quỹ đầu tư cũng chỉ mới nộp 4/100 tỷ đồng cam kết. Đại diện Rocky Lai & Associates cũng không còn ở Đà Nẵng. Tại phiên họp Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng cách đây ít ngày, trong khi nhiều quan điểm cho rằng, phải đưa Dự án vào diện cảnh báo, thì cũng có ý kiến về việc nên cho nhà đầu tư “thêm một cơ hội”.
Chuyện cảnh báo, rồi lại gia hạn, chưa thu hồi ngay không phải có chuyện hiếm gặp ở các dự án FDI quy mô lớn ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, chia sẻ với khó khăn của nhà đầu tư là điều nên làm. Nhưng theo một chuyên gia kinh tế, có lẽ, nên mạnh tay hơn nữa với các dự án đình trệ kéo dài nhiều năm, để dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác, có năng lực hơn.
Theo Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo