Cá chết do độc tố cực mạnh: Nguyên nhân từ đâu?
Tin tức trên báo Vneconomy, theo kết luận được các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các con cá nuôi gần biển chết hàng loạt tại miền Trung không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước mà do độc tố cực mạnh từ môi trường.
Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế diễn ra chiều 23/4 tại Hà Tĩnh, các cơ quan vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và công bố nguồn độc tố khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh nói trên là xuất phát từ đâu.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho hay, kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Phân tích 18 mẫu vi khuẩn, 18 mẫu virus cũng thể hiện đây không phải tác nhân gây hiện tượng cá chết.
Tỉnh Quảng Bình kết luận nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm tại Hà Tĩnh theo dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo đẩy vào Quảng Bình.
Trong khi đó, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xác định độ pH vùng đầm phá và ven biển tăng, thay đổi đột ngột là nguyên nhân khiến cá chết. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, kết hợp với độc khí ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy cục bộ làm cá chết nhanh.
Đại diện Cục Thú y cho hay, độc tố đó có thể là yếu tố về sinh học, hóa học, kim loại từ bên trong một cơ sở nào đó xả ra. Song, để xác định xem nó là yếu tố gì cần thời gian nghiên cứu, sớm nhất cũng phải 10 ngày từ khi lấy mẫu. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, tới đây cơ quan này sẽ khẩn trương phối hợp với nhiều bộ ngành kiểm tra, điều tra làm rõ độc tố xuất phát từ đâu.
Trước những thông tin về việc Công ty Hưng TNHH Gang thép Nghiệp Formosa xả trộm nước thải ra biển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, cho biết đây là đường ống công khai và đã được Bộ cấp phép, nước thải đã được xử lý theo chuẩn mới được xả thải ra biển. “Đây là đường ống hợp pháp, chứ không phải phía công ty làm lén lút, được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh theo dõi hàng ngày”, Thứ trường Nhân nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT khẳng định Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Báo Lao động thông tin.
Thừa nhận ống xả thải đường kính 1,5m, dài 1,5 km và chôn sâu dưới mặt biển là có thật, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hệ thống đường ống xả đó đã được Bộ TNMT cho phép lắp đặt để xả nước thải đã qua xử lý của Formosa, nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Một thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đã xả thải. Không ít doanh nghiệp khác hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động được trong thời gian đầu, rồi sau đó bị hỏng hóc. Một số doanh nghiệp mặc dù có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành, vì rất tốn kém.
Đây có thể là những kẽ hở “chết người” mà doanh nghiệp đã lách được, để gây ra thảm họa môi trường, qua mặt được cơ quan chức năng.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến ngày 26/4, mới bắt đầu kiểm tra toàn diện Formosa. Đến lúc này doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ, và việc xả thải nguy hại, nếu có, cũng đã được chấm dứt từ lâu.
Việc lấy mẫu nước xả thải tại cống ngầm của Formosa, đến lúc này mới thực hiện là vô nghĩa, thậm chí vô tình trở thành “lá chắn”. Đến lúc này, cơ quan chức năng và các địa phương vẫn nợ người dân về nguyên nhân, trách nhiệm của thảm họa môi trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo