Xã hội

Cá chết hàng loạt: Nếu Formosa gây ô nhiễm, sẽ xử hình sự

(DNVN) - Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung, nếu Formosa gây ô nhiễm có thể bị xử lý hình sự, hoặc phạt hành chính.

Tin tức trên báo TTXVN, ngay sau khi một ngư dân Hà Tĩnh phát hiện một đường ống nghi là hệ thống xả thải của Công ty Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh - nơi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường đầu tiên tại các tỉnh ven biển miền Trung, dư luận đã khẳng định cá chết bất thường là do nhiễm độc tố có nguồn gốc từ đất liền thải xuống biển.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn hai tuần kể từ ngày ngư dân phát hiện đường ống khổng lồ của Công ty Formosa ở dưới đáy biển, cơ quan chức năng vẫn chưa thể khẳng định đó là hệ thống xả thải gây ô nhiễm, khiến cá chết hàng loạt. Trong khi ngư trường ảm đạm, người dân các tỉnh miền Trung đang rất hoang mang không dám ăn cá vì sợ nhiễm độc.

Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển. Ảnh Trần Tĩnh - TTXVN.

Vậy thực hư thông tin hệ thống xả thải của Công ty Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng có nghiêm trọng như ngư dân phản ánh? và nếu có chuyện Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung, doanh nghiệp sẽ bị xử lý ra sao?.

Theo luật sư Nguyễn Thiều Dương, Giám đốc Công ty luật Đại Việt, nếu cơ quan chức năng điều tra, phát hiện đường ống của Formosa xả thải có chất nguy hại khiến cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung, doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự, hoặc phạt hành chính và buộc khắc phải phục hậu quả.

Cụ thể, theo Điều 14 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường sẽ bị phạt tiền và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng.

Với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 23/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với đại diện của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế về tình trạng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung. Báo An ninh thủ đô thông tin.

 

Tại buổi làm việc, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, liên quan đến tình hình cá chết những ngày vừa qua, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ TN&MT giao các cơ quan liên quan phối hợp địa phương xử lý tình trạng cá chết. 

Các nhà khoa học, chuyên môn cần xác định sớm nguyên nhân. Bộ cũng đã gửi văn bản tuyên truyền cho người dân, không sử dụng cá chết làm thực phẩm cũng như làm thức ăn chăn nuôi.

Liên quan đến hệ thống đường ống khổng lồ của Formosa dài khoảng 1,5km, đường kính 1,1m với lưu lượng xả thải 12.000m3/ngày, Thứ trưởng Nhân cho biết quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, toàn bộ nước thải phải được xử lý trước khi xả ra. 

Tuy nhiên, việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không, hai chuyện đó khác nhau. Việc này đang được kiểm tra.

Như vậy đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế và đang phải chờ kết quả thí kiểm nghiệm trong thời gian tới.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo