Hỗ trợ doanh nghiệp

Các công ty lớn làm gì tại thị trường Mỹ, Trung trước cuộc chiến thương mại?

Các công ty lớn phải đi đường vòng, vận động hành lang, nộp phạt hoặc tìm cách mở rộng thị trường theo các hướng khác nhau để hiện diện tại thị trường lớn Mỹ, Trung.

Các công ty lớn của Mỹ và Trung Quốc đang bị xáo trộn, thậm chí, có công ty đứng trước nguy cơ phá sản trong thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu. Họ phải đi đường vòng, vận động hành lang, nộp phạt hoặc tìm cách mở rộng thị trường theo các hướng khác nhau để hiện diện tại thị trường lớn Mỹ, Trung.

Google đi đường vòng

Sau 8 năm bị chặn, Google đang tìm những cách mới để tăng sự hiện diện tại quốc gia đông dân nhất thế giới, nhất là trong thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu. 

Nguồn: Internet.

Kế hoạch của Google là đi đường vòng, Whatsonweibo cho biết. Một phần quan trọng trong đó là bắt tay với các công ty công nghệ.

Ngày 18/6, Google tuyên bố đầu tư 550 triệu USD vào JD.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Đây tiếp tục là quyết tâm của Google, sau khi đã đã đầu tư hàng tỷ USD vào 5 công ty lớn tại đây, trong đó có hãng Tencent; tích cực hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại như Huawei và Xiaomi.

Google đang coi AR, VR, AI... là một cách đi đường vòng hiệu quả vì các công nghệ mới này dễ được Chính phủ Trung Quốc chấp nhận. Đây được coi là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Google giúp các công ty Trung Quốc đưa sản phẩm của họ ra ngoài lãnh thổ, trong khi các công ty này giúp Google tăng độ ảnh hưởng tới thị trường.

Tesla tăng giá bán và xây dựng nhà máy ô tô điện tại thị trường 1,4 tỷ dân

Trang mạng Electrek ngày 9/7 cho biết Tesla Inc, nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ, tuyên bố tăng giá bán các dòng xe Model X và Model S thêm hơn 20.000 USD mỗi chiếc tại thị trường Trung Quốc. 

Như vậy, Tesla sẽ là doanh nghiệp chế tạo ô tô Mỹ đầu tiên tăng giá bán xe trên thị trường Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.

 

Chuyên gia nghiên cứu Efraim Levy thuộc tổ chức CFRA cho rằng tăng giá bán ô tô sẽ tác động xấu đến doanh số bán xe, nhưng Tesla buộc phải tăng giá bán bởi họ không thể tự mình gánh mức bù giá do thuế cao. Giá bán của các dòng xe Model S và Model X đã tăng cuối tuần qua với mức tăng từ khoảng 150.000-250.000 nhân dân tệ (khoảng 22.600-37.000 USD) mỗi chiếc tùy theo phiên bản.

Tiếp tục kỳ vọng rất lớn vào thị trường Trung Quốc, Tesla có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất tại nước này.

Trong thông báo đưa ra ngày 10/7, Tesla cho biết nhà máy sẽ sớm được khởi công và sẽ mất khoảng 2 đến 3 năm hoàn thành dự án xây dựng và đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Dự kiến, nhà máy sau khi hoàn thành sẽ giúp Telsa tăng công suất 500.000 xe/năm. Mặc dù, số tiền đầu tư dự án này không được công bố, song theo thông báo của chính quyền thành phố Thượng Hải, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thượng Hải cho đến nay. Tại Thượng Hải hiện có công ty liên doanh của General Motors Co., Volkswagen AC và một nhà hãng sản xuất xe ô tô quốc doanh của Trung Quốc.

Apple lập quỹ 300 triệu USD đầu tư năng lượng tái tạo ở Trung Quốc

 

Ngày 13/7, Apple đã ra thông báo thiết lập một quỹ nhằm đầu tư gần 300 triệu USD trong 4 năm tới để kết nối các nhà cung cấp Trung Quốc với nguồn năng lượng tái tạo trong bối cảnh Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy mục tiêu chống ô nhiễm môi trường. 

Nguồn: ZDNet.

Hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ cho biết đã cùng với 10 nhà sản xuất cung cấp tài chính cho Quỹ Năng lượng sạch Trung Quốc nhằm giúp các công ty chuyển sang việc sử dụng năng lượng sạch.

Danhua Capital, Quỹ Oriza Ventures đổ vốn vào Thung lũng Silicon

Danhua Capital - công ty đầu tư mạo hiểm được hậu thuẫn bởi Chính phủ Trung Quốc - đã mạnh tay rót vốn cho một số start-up hứa hẹn nhất Thung lũng Silicon, chủ yếu trong các lĩnh vực máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Công ty này có trụ sở ngay bên ngoài Đại học Stanford. 

Những công ty như Danhua Capital tại Thung lũng Silicon không chỉ có một. Theo Reuters, có khoảng 20 doanh nghiệp như vậy đang hoạt động tại đây, đa phần liên quan chặt chẽ với một đơn vị tài chính hoặc tổ chức nhà nước Trung Quốc.

Cùng với đó, Quỹ Oriza Ventures thuộc nhánh đầu tư của chính quyền thành phố Tô Châu cũng đã rót vốn cho một số công ty khởi nghiệp chuyên về xe hơi và tự lái tại Thung lũng Silicon, hay SAIC Capital (thuộc hãng ô tô quốc doanh Trung Quốc SAIC Motor) đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, lập bản đồ và trí tuệ nhân tạo khu phát triển công nghệ hàng đầu nước Mỹ. Ngay cả tổ chức 500 Start-ups nổi tiếng cũng có phần vốn từ chính quyền Hàng Châu.

Động thái trên của các công ty Trung Quốc đang dấy lên lo ngại "Rất có thể sẽ có các bước chuyển giao công nghệ liên quan đến bí mật an ninh của Mỹ đang diễn ra trong thế giới khởi nghiệp và điều đó thật nguy hiểm", Stephen Heifetz, cựu nhân viên Ủy ban đầu tư nước ngoài của chính phủ Mỹ (CFIUS), cảnh báo.

 

ZTE nỗ lực vận động hành lang, đặt cọc để tránh nguy cơ phá sản

Nguồn: Internet.

ZTE đang phải trải qua thời kỳ vật lộn cũng như nỗ lực vận động hành lang để chấm dứt lệnh cấm vận mà chính quyền Mỹ áp đặt đối với các giao dịch công nghệ của hãng này với doanh nghiệp Mỹ, qua đó làm tê liệt hoạt động kinh doanh. 

Theo đó, vừa qua, ZTE đã thay toàn bộ ban lãnh đạo theo yêu cầu của Mỹ, đồng thời, ký thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ nhằm gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh doanh của Mỹ đối với ZTE, kèm theo 400 triệu USD gọi là khoản tiền "thế chấp".

Đây là thỏa thuận nằm trong gói phạt 1,4 tỉ USD của Mỹ đối với ZTE, do những cáo buộc nhiều lần vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran và đây cũng là mức phạt cao nhất từ trước đến nay từ phía Mỹ nhằm vào một doanh nghiệp của Trung Quốc, trở thành "vũ khí mới" của Mỹ nhằm "răn đe" các doanh nghiệp Trung Quốc.

ZTE hy vọng rằng sự tuân thủ các yêu cầu từ chính quyền Mỹ sẽ làm dịu tình hình và mở đường cho hãng này thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Nên đọc





Theo Doanh nhân Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo