Hỗ trợ doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng "ngán" Trung Quốc

(DNVN)-Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng cảm thấy chán Trung Quốc do lo ngại môi trường kinh doanh tại đây ngày càng kém thân thiện.

Các quan chức cấp cao Mỹ hôm 07/6 cho biết, các doanh nghiệp nước này ngày càng cảm thấy "ngán" Trung Quốc. Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh một loạt bất đồng đã phủ bóng lên một cuộc đối thoại hàng năm giữa lãnh đạo hai nước tại Bắc Kinh. 

Nhận định trên đưa ra khi một cuộc khảo sát các doanh nghiệp châu Âu cho thấy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại bắt nguồn từ môi trường kinh doanh ngày càng kém thân thiện. 

Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng "ngán" Trung Quốc (Ảnh AFP)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew phát biểu tại một cuộc họp của các Giám đốc điều hành (CEO) bên lề Đối thoại Kinh tế và Chiến lược tại Bắc Kinh rằng, các doanh nghiệp Mỹ "đang đặt ra câu hỏi liệu họ có được đón chào ở Trung Quốc hay không".

"Những lo ngại về môi trường kinh doanh đã gia tăng trong những năm gần đây", ông Lew cho biết thêm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng thúc giục Bắc Kinh dỡ bỏ rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài và bày tỏ thái độ lo ngại về môi trường pháp lý ngày càng phức tạp tại "ông lớn" châu Á này. 

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, luật mới của Trung Quốc đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận muốn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Do vậy, ông cho rằng, những rào cản đầu tư vào Trung Quốc cần được dỡ bỏ càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định cam kết chào đón các công ty nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, nước này đang nghiên cứu mở cửa thị trường và minh chứng cho chủ trương này là những cuộc đàm phán ký kết thỏa thuận đầu tư song phương.

Ông Lew và ông Kerry đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp với các CEO thuộc các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có hãng sản xuất thép Alcoa - hãng đã cáo buộc Trung Quốc bán phá giá nhôm trên thị trường toàn cầu. 

Nên đọc
NM (Theo AFP)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo