Hỗ trợ doanh nghiệp

Các dự án thua lỗ ngành Công Thương: Thủ tướng chỉ đạo nóng

(DNVN) - Đối với các dự án thua lỗ, đắp chiếu của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tập trung giải quyết, kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ kéo dài; trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trong việc để thua lỗ.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công Thương ngày 6/1.

Tại Hội nghị, nêu một số tồn tại của ngành Công Thương, Thủ tướng cho biết, ngành khai khoáng giảm sút mạnh, với gần 6%, dầu thô giảm gần 10%, than giảm 3,1% cùng với giá giảm. Chúng tôi chỉ đạo hết sức nhưng thiên tai quá lớn cùng với khai khoáng giảm mạnh nên GDP năm 2016 mới đạt 6,21%, còn 0,09% nữa là chúng ta đạt kế hoạch Quốc hội giao.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng nêu rõ, nhiều dự án thuộc sự quản lý của ngành Công Thương do quá trình đầu tư vận hành thua lỗ kéo dài, đắp chiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: MOIT.

"Chúng tôi cũng thành lập ban chỉ đạo xử lý vấn đề này. Bên cạnh đó, một số dự án triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ nhất là một số dự án điện của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đứng ra đảm nhận", người đứng đầu Chính phủ nói và cho biết thêm, một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy hiệu quả, chưa tạo ra động lực và sự hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, chiến lược phát triển ngành ô tô, quy hoạch phát triển ngành thép....

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới còn tồn tại, bất cập, buôn lậu, gian lận thương mại chưa được khắc phục căn bản. Nhất là trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất. Có tình trạng diễn ra lừa đảo trong bán hàng đa cấp gây bức xúc xã hội.

"Các đồng chí đã tập trung xử lý kiên quyết đạt kết quả nhưng cũng gây hậu quả ngoài xã hội do lúc đầu chúng ta chưa hiểu ra sự lộng hành gian dối này trong kinh doanh", Thủ tướng nói.

Tổng kết năm 2016 của ngành Công Thương, Thủ tướng nhận định: "Trong năm 2016 vừa qua kết quả là tốt nhưng do nhiều vấn đề, ngành Công Thương đã bị vấp nhưng chưa ngã, nhưng ngược lại ngành đã vươn lên mạnh mẽ, trong đó vai trò cuả các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng".

Đưa ra những nhiệm vụ thời gian tới cho ngành Công Thương, người đứng đầu Chính phủ yêu cẩu phải tập trung giải quyết tồn đọng để sớm thoát ra những dự án đang nằm ở Bộ Công Thương. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tập đoàn phải tập trung việc này, phải nêu trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý tồn tại này.

 

"Ngân sách không có khả năng, cũng không ném tiền vào những dự án thua lỗ này. Phải giải quyết tồn động dưới nhiều hình thức khác nhau, cái nào bán, cái nào khoán, cái nào cần phá sản thì phá sản, cái nào cần xử lý một bước bằng cơ chế chính sách cụ thể, cái nào phải hoán đổi, thay đổi nhóm nợ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương muốn tạo ra sự thay đổi, cạnh tranh phải bắt đầu tạo ra môi trường để doanh nghiệp, người dân làm ăn sòng phẳng, không bị chèn ép. Muốn có được điều này trước hết phải chú trọng thể chế, con người theo hướng kiến tạo, thị trường. “Cái gì cản trở thì Chính phủ sẽ lắng nghe, tháo gỡ để sản xuất của doanh nghiệp, người dân theo sát thị trường”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh...

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo