Các nhà đầu tư ngoại vẫn e ngại về tham nhũng và thủ tục
Các doanh nghiệp đã an tâm và có cái nhìn lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới. Đây là thông tin Grant Thornton Việt Nam thu thập được từ cuộc khảo sát các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam lần thứ 10, thực hiện trong quý 4/2013.
Grant Thornton Việt Nam cho biết, quá trình thực hiện khảo sát ý kiến những người ra quyết định đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã cho thấy nhiều phản hồi tích cực về nền kinh tế Việt Nam.
Đây là kết quả khả quan nhất trong vòng 2 năm qua với tỷ lệ đánh giá triển vọng đạt 43%. Hồi quý 2/2012, ý kiến nhận định nền kinh tế tốt chỉ đạt 34%; niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm mạnh trong quý 4/2012 chỉ đạt 16% và đến quý 2/2013 có sự cải thiện nhẹ, vươn lên mức điểm 27%.
Cùng với sự an tâm được phục hồi là các nhận định tiêu cực về triển vọng kinh tế cũng giảm đáng kể, chỉ còn 13% trong lần khảo sát thứ 10, giảm mạnh so với những cuộc khảo sát trước đó, quý 2/2012: 27%, quý 4/2012: 51%, quý 2/2013: 31%.
Kết quả cuộc khảo sát do Grant Thornton thực hiện đã chứng tỏ niềm tin đang quay trở lại với các nhà đầu tư. Nói về quan điểm và triển vọng về đầu tư ở Việt Nam trong 12 tháng tới, có đến 46% nhà đầu tư tham gia khảo sát cho rằng sẽ tăng phân bổ nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và 44% ý kiến khác cho rằng sẽ giữ nguyên mức độ phân bổ đầu tư.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước đã thu hút được 19,234 tỷ USD nguồn vốn đăng kí cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm 2013, tăng 65,5% so với cùng kỳ 2012. Điều đó chứng tỏ, các doanh nghiệp đã ổn định tư tưởng về tình hình kinh doanh và các quyết định xúc tiến kế hoạch đầu tư không còn bị trì hoãn.
Cuộc khảo sát trong quý 4/2013 cũng là lần đầu tiên Grant Thornton đưa ngành thực phẩm và nước uống vào khảo sát nhu cầu đầu tư. Kết quả ngành này đã nhận được sự lựa chọn nhiều nhất trong số các lựa chọn được đưa ra cho lĩnh vực hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam.
Điều này khá nhất quán với quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu theo nghiên cứu ngành thực phẩm tiêu dùng nhanh (F&B) 2013 do Grant Thornton International thực hiện trước đó.
Có thể nói, ngành F&B đang được nhiều nhà đầu tư để ý nhờ sự phát triển và hoạt động sôi động trong thời gian qua. Một số ngành nghề, lĩnh vực khác cũng có sự gia tăng đáng kể về niềm tin triển vọng. Ngành dịch vụ tài chính, từ vị trí thứ 7 trong cuộc khảo sát lần trước lên vị trí thứ 2, các ngành giáo dục và bất động sản đều xếp ở vị trí thứ 2 với 28% lựa chọn cho mỗi ngành.
Lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) cũng được cuộc khảo sát này thực hiện. Về yếu tố thành công và thất bại của các thương vụ M&A, 59% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng những thương vụ có các đối tác tham gia đều đang hoạt động tại Việt Nam có mức độ thành công cao hơn các thương vụ giữa doanh nghiệp trong nước với một doanh nghiệp ở nước ngoài. Đối với yếu tố đầu tiên dẫn đến sự thất bại của một giao dịch M&A, 89% các nhà đầu tư tư nhân nhận định là sự khác biệt trong kỳ vọng về giá trị, tăng 22% so với khảo sát lần trước.
Động thái giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã là tiền đề tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư. 38% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, chi phí đi vay vốn ngân hàng sẽ ổn định trong năm 2014. Chỉ có 27% ý kiến cho rằng chi phí đi vay sẽ giảm nhẹ trong vòng 12 tháng tới, trong khi cuộc khảo sát quý 2/2013 có đến 77% ý kiến.
Mức độ ổn định của nền kinh tế và có triển vọng tăng trưởng đã tác động mạnh đến quyết định và thời gian đầu tư của các nhà đầu tư. Có 53% ý kiến nhận định hệ số thoái vốn trung bình cho khoản đầu tư tư nhân ở Việt Nam ở mức 5 - 10 lần của mức lãi (EBITDA), tăng 16% so với khảo sát gần đây nhất.
Số lượng lựa chọn 3-5 lần EBITDA giảm 6% và số chọn từ 10 - 15 lần EBITDA lại tăng 4% so với kết quả khảo sát trước. Như vậy, doanh nghiệp xác định hướng đến mức lợi nhuận tốt hơn và để đạt được lợi nhuận kì vọng sẽ chấp nhận thời gian đầu tư dài hơi.
Bên cạnh niềm tin về triển vọng nền kinh tế, các nhà đầu tư cũng vẫn còn e ngại về rào cản cho các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. 88% chọn lựa yếu tố tham nhũng là rào cản quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư.
Tiếp đó, vấn đề quan liêu, thủ tục hành chính rườm rà của cơ quan quản lí đã trở thành mối quan ngại thứ hai với 76% ý kiến đồng tình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn là yếu tố trở ngại cho nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ.
Báo cáo lần này của Grant Thornton cũng đề cập đến thông tin liên quan các vấn đề xem xét khi đầu tư vào Việt Nam như: phân bổ đầu tư, các yếu tố quan trọng góp phần gia tăng giá trị, mức độ tham gia vào hoạt động của công ty được đầu tư hay các yếu tố chính được cân nhắc khi đầu tư.
Thời báo Kinh tế Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo