Hỗ trợ doanh nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp tụt hậu nếu mơ hồ

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã hiện hữu và được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp , nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang còn khá mơ hồ, không hiểu bản chất, thậm chí rất thờ ơ với cuộc cách mạng này.

Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng

Giới chuyên gia dự báo, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa đầy đủ.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), hiện nay, chỉ có 25 quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam không nằm trong nhóm này, chỉ số xếp hạng về công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam là 23/100.

Nếu không thích nghi với cách mạng công nghiệp 4.0 doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động ít hoặc không tác động tới nước ta, do đó không tác động tới bản thân mỗi doanh nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không biết hoặc không cần biết đến cuộc cách mạng này.

Con số khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ rõ, mặc dù VCCI đã bắt đầu xây dựng cộng đồng mở về Internet vạn vật (IOT) từ năm 2017, nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn khá bỡ ngỡ. Một số đơn vị vẫn chỉ mới nắm bắt ở dạng nhận thức, nhưng thực tế lộ trình chuyển mình như thế nào thì chưa có. Điều này cũng được thể hiện khi 95% doanh nghiệp đang sử dụng in-tơ-nét, nhưng có đến 60% trong số đó gặp khó khăn trong việc ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Nhận định về thực tế hiện nay, CEO Nguyễn Đình Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công ty EDX - chuyên hoạt động lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn đang rất mơ hồ về cuộc cách mạng này, trong khi đó thế giới lại đang biến đổi từng ngày với cách mạng 4.0.

“Hầu hết mọi người đều đang nghe và biết rõ rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó và không biết phải ứng dụng nó như nào.

Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù họ biết đến những thuật ngữ như “vạn vật kết nối”, “ứng dụng IOD” nhưng họ không rõ rằng sẽ ứng dụng cái gì trong đó. Nhiều doanh nghiệp đang mơ hồ với cách mạng 4.0 và khi không biết phải bắt đầu từ đâu” – ông Hùng nhận định.

 

Thờ ơ là bước khỏi cuộc chơi toàn cầu

Nêu quan điểm để các doanh nghiệp có thể trụ vững được với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp phải có sở hữu được 3 yếu tố quan trọng. Một là thương hiệu, hai là chất lượng sản phẩm và thứ ba là giá cả cạnh tranh.

“Cả ba yếu tố đó phải đảm bảo mới có thể cạnh tranh toàn cầu” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng nêu ra ví dụ về ngành cơ khí, trước đây, doanh nghiệp cơ khí chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước thôi nhưng giờ có doanh nghiệp nước ngoài vào, họ cần sử dụng cơ khí lúc đó họ sẽ tìm các nhà thầu phụ thì lúc này doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với nhà thầu phụ của nước ngoài.

Đây rõ ràng là vấn đề cạnh tranh toàn cầu. Nêu ra thực tiễn này, vị Giám đốc doanh nghiệp cho rằng, khi quy mô nhỏ, vốn yếu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay cần phải có sự kết nối, liên minh giữa các doanh nghiệp với nhau để có thể nâng sức cạnh tranh.

 

“Hiện nay, chúng ta đang bị một thực trạng là thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối, trong khi có quá nhiều doanh nghiệp trung gian khiến các đơn hàng bị đội giá, giảm tính cạnh tranh. doanh nghiệp Việt Nam còn có một đặc điểm nữa là mở nhiều ngành hàng một lúc, khiến độ tinh xảo không cao từ đó ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Vậy rõ ràng chúng ta không cạnh tranh được cả về giá đấy và về chất lượng” – CEO Nguyễn Đình Hùng nêu thực tế.

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giới chuyên gia cho rằng, không phải là việc làm riêng của mỗi doanh nghiệp. Bởi phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu tiềm lực đầu tư về vốn và công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất còn yếu, không có chiến lược kinh doanh, hạn chế về năng lực cạnh tranh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, để doanh nghiệp tiếp cận với công nghiệp lần thứ tư, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía Nhà nước với những chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Nếu còn chậm trễ và thờ ơ với cuộc cách mạng này, doanh nghiệp sẽ không thể thích ứng và sẽ bị tụt hậu” – TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Nên đọc
Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo