Hỗ trợ doanh nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0 không dành cho doanh nghiệp thờ ơ

Doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ lại thiếu tính liên kết nếu thiếu quan tâm đến cách mạng 4.0 rất dễ tự loại mình ra khỏi xu thế toàn cầu.

Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất trên thế giới, giúp tăng cường kết nối các quốc gia trên tất cả các phương diện, từ thể chế nhà nước đến kinh tế - xã hội, môi trường. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các chiến lược cụ thể để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp Việt còn mơ hồ với công nghiệp 4.0

Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa chính thức có một mục tiêu về thúc đẩy công nghiệp 4.0. Đồng nghĩa với đó là Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin.

CEO Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh.

Nhận định về thực tế tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX -  chuyên hoạt động lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn đang rất mơ hồ về cuộc cách mạng này, trong khi đó thế giới lại đang biến đổi từng ngày với cách mạng 4.0.

“Hầu hết mọi người đều đang nghe và biết rõ rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất  gần nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó và không biết phải ứng dụng nó ra sao. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa dù họ biết đến những thuật ngữ như "vạn vật kết nối", "ứng dụng IoT" nhưng họ không rõ rằng sẽ ứng dụng cái gì trong đó. Nhiều doanh nghiệp đang mơ hồ với cách mạng 4.0 và khi không biết phải bắt đầu từ đâu”, ông Hùng nhận định.

Là một trong những doanh nghiệp đã và đang dần có những chuyển đổi để thích nghi với thời đại của một nền kinh tế số, ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phải bước chân vào một thế giới phẳng, phải cạnh tranh với toàn cầu, không chỉ đơn thuần cạnh tranh trong một địa phương, một tỉnh, một quốc gia. Như vậy, nếu doanh nghiệp nào thờ ơ với xu thế này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp tự bước ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Tăng kết nối, liên minh

 

Với đặc điểm quan trọng nhất của cuộc cách mạng 4.0 là sự kết nối trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Mặc dù Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt “cơ hội vàng”, nhưng nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức của công nghiệp 4.0 sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá đắt về sau.

Để đạt được thành công trong chiến lược tổng thể về công nghiệp 4.0 của Việt Nam, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Cần vượt qua được những tư duy và cách làm cũ trước đây, đồng thời cần đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của chiến lược này.

Vì thế, chiến lược về công nghiệp 4.0 của Việt Nam đòi hỏi phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, có những bước đi phù hợp với các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi. Trong đó, ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược để chuyển đổi số hóa quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số.

Tổng Giám đốc EDX - Nguyễn Đình Hùng nhận định, để có thể trụ vững và phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam phải sở hữu được 3 yếu tố quan trọng: Thương hiệu; chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Khi đảm bảo hội đủ ba yếu tố này, doanh nghiệp mới có thể đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Nhưng trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn yếu… để đáp ứng được các yếu tố trên, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có sự kết nối, liên minh giữa các doanh nghiệp với nhau để có thể cùng phát triển và nâng sức cạnh tranh.

 

“Thị trường Việt Nam đang thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối, trong khi có quá nhiều doanh nghiệp trung gian khiến các đơn hàng bị đội giá, giảm tính cạnh tranh. Cùng với đó, các doanh nghiệp đều mở nhiều ngành hàng một lúc, khiến độ tinh xảo không cao, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và không cạnh tranh được về giá”, ông Hùng nêu thực tế.

Bên cạnh đó, ông Hùng còn chỉ rõ, nếu các doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của mình lên trên hết sẽ rất khó phát triển. Chỉ khi doanh nghiệp xác định được thế mạnh riêng của mình để tập trung phát triển, không ôm đồm nhiều việc cùng lúc mới có thêm nhiều khả năng cạnh tranh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Nên đọc
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo