Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần có giải pháp để sản xuất công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo

6 tháng năm 2018, chỉ số phát triển ngành công nghiệp của TP.HCM giảm. Từ nay đến cuối năm cần có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của ngành này.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP.HCM tăng 7,86% so cùng kỳ năm trước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế từng bước giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư, tăng yếu tố khoa học kỹ thuật.

Lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ 2017, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP. Trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất 57,6% trong tổng GRDP, trong đó, 4 nhóm ngành bất động sản; thương mại; vận tải kho bãi và tài chính ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng cao 40,2%. Về tốc độ phát triển dịch vụ, một số ngành có mức tăng cao hơn so cùng kỳ: Thương mại tăng 7,68%; thông tin và truyền thông tăng 8,72%.

Cần có giải pháp để thúc đẩy tăng trường ngành công nghiệp TP HCM. Ảnh minh họa: KT.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết: “Môi trường đầu tư cải thiện, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển được các thành phần kinh tế quan tâm thực hiện, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tiếp tục có kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số dự án FDI được cấp mới đều tăng so với cùng kỳ”.

Với kết quả này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề, dù tổng sản phẩm trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm tăng 7,86%, nhưng đối với ngành công nghiệp, chỉ số phát triển 6 tháng chỉ tăng 7,11%, trong khi cùng kỳ tăng 7,51%. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp đang có dấu hiệu giảm sút, sự phát triển của ngành công nghiệp không có điểm nhấn đột phá mà chỉ trông cậy vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần phải có đột phá để mở rộng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp.

Ông Phong cũng lo ngại về thu hút đầu tư nước ngoài trước con số 483 dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 486 triệu USD, bình quân chỉ đạt 1 triệu USD/dự án trong 6 tháng đầu năm, không thể tạo cú hích cho sự phát triển và đề nghị xem lại môi trường đầu tư trong thời gian qua.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về giá trị gia tăng thì mức đóng góp của ngành công nghiệp vào giá trị gia tăng của TP lại tăng. Cụ thể, 6 tháng năm 2017, đóng góp của ngành công nghiệp là 9,36% trong GRDP của TP, còn 6 tháng năm 2018 chiếm 10%.

Nguyên nhân năm 2018 chỉ số phát triển công nghiệp giảm so với năm ngoái là do năm 2017 có sự tăng trưởng rất cao của các ngành công nghiệp. Một số chính sách miễn thuế bắt đầu có hiệu lực trong năm 2018 nên các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư trong năm ngoái.

 

Năm 2017, Samsung và một số doanh nghiệp FDI bắt đầu sản xuất dẫn đến sự bứt phá. Ngoài ra, 3 ngành sản xuất giảm là sản xuất kim loại giảm 3,78%, trong khi cùng kỳ tăng 26,8%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 14,32%, cùng kỳ tăng 46,65%; sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị giảm 23,77%.

Giải pháp mà Sở Công thương đặt ra trong 6 tháng còn lại năm 2018 là tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành cơ khí và công nghiệp thực phẩm, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đào tạo tại chỗ để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, hình thành các tiểu khu công nghiệp hỗ trợ xung quanh các khu công nghiệp, hỗ trợ mặt bằng, vốn, tập trung để thu hút công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn. Song song đó, quy hoạch phát triển công nghiệp và đẩy mạnh liên kết vùng trong sản xuất công nghiệp…

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nói: “Vấn đề hiện nay là sản phẩm thành phố sản xuất được nhưng các tỉnh không bán. Khi tìm hiểu thì do sản xuất của doanh nghiệp TP lo tập trung xuất khẩu trong khi nội địa thì không quan tâm. Thành ra các sản phẩm thành phố sản xuất được nhưng các tỉnh thì không có, hiện chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp quan tâm, không bỏ lẻ thị trường trong nước”.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, dư địa phát triển công nghiệp vẫn còn, vì thế cần phải tập trung tháo gỡ các rào cản để phát triển. Trong đó phải nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu thông qua đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ cùng Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức hội thảo đổi mới sáng tạo vào cuối tháng 7/2018, làm việc với các hội nghề nghiệp, để lắng nghe doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển. Lãnh đạo TP sẽ lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm tốt hơn.

Khẳng định việc “Không thể chấp nhận TP.HCM là đầu tàu mà không trả lời được sản phẩm chủ yếu là gì?”, ông Phong đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Công thương phải đưa ra các giải pháp để sản xuất công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Các quận, huyện cũng phải nắm chắc số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, giải quyết kịp thời các khó khăn các doanh nghiệp và kiến nghị lên các cấp cao hơn, làm sao tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: Phải quyết liệt để nâng quy mô sản xuất ngành công nghiệp lên. Tôi đề nghị 6 tháng cuối năm 2018 cần đặc biệt quan tâm, tìm kiếm các giải pháp các chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố phát triển. Với các quận huyện cũng vậy, trên địa bàn những ngành công nghiệp nào, sản phẩm công nghiệp nào thì cũng phải lắng nghe để có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển”.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng kỳ vọng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay cùng các giải pháp đột phá trong phát triển công nghiệp, TP.HCM sẽ về đích năm 2018 với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8,3% như mục tiêu đã đặt ra.

 

Nên đọc
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo