Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần rà soát nghiêm túc 12 dự án yếu kém ngành Công Thương

(DNVN) - Liên quan đến 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương, theo ý kiến của chuyên gia, cần làm ngay là tiến hành rà soát lại các một cách nghiêm túc và khách quan, bóc tách, làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan, đâu là trách nhiệm thuộc tập thể và cá nhân gây thua lỗ...

Hàng nghìn tỷ tiền nhà nước "bốc hơi"?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Theo đó, có 5 dự án nghìn tỷ được liệt kê dạng thua lỗ, kém hiệu quả là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội. Đó là Đạm Hà Bắc, Đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Theo tìm hiểu, trong số 12 dự án được thua lỗ yếu kém trên, có tới 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đó là dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - một trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.

Trong đó, đáng chú ý là dự án Đạm Hà Bắc sau 2 năm hoạt động, số lỗ ước tính lên đến hơn 1.500 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn khoảng 12.000 tỷ đồng, song từ khi hoạt động đến nay nhà máy này liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Từ năm 2013 đến năm 2016 lỗ khoảng 3.300 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu tiếp tục dừng hoạt động trong năm 2017, nhà máy này sẽ lỗ thêm 1.200 tỷ đồng.

Cũng trong 12 dự án yếu kém này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” tới 5 dự án gồm dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, dự án nhiên liệu sinh học - ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước, đóng tàu Dung Quất.

Nếu nhìn vào yếu kém không khỏi khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, nhưng lỗ 1.700 tỷ đồng, lâm cảnh “đắp chiếu”. Còn 3 dự án ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước - mỗi dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng đang trong tình trạng "sống dở chết dở"...

Truy trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây thua lỗ

Nói về phương án xử lý các dự án yếu kém, vào cuối năm 2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; khẩn trương xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước.

 

“Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo.

Mới đây, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả này.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tiến hành rà soát lại các phương án xử lý, giải quyết các khó khăn tồn tại của dự án/ doanh nghiệp và từ đó đề xuất phương án khả thi nhất để báo cáo Ban chỉ đạo Bộ Công Thương.

Trong phương án đề xuất cần đưa ra các kiến nghị đề xuất tập trung vào cơ chế tài chính, tiền tệ; cơ chế giải pháp về thị trường; cơ chế giải pháp về quản trị doanh nghiệp. Hoàn thành báo cáo và gửi về Bộ Công Thương chậm nhất ngày 4/2/2017.

Thứ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ chuyên ngành lập báo cáo tổng thể về 12 dự án báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương trước ngày 10/2/2017. Báo cáo được lập theo kết cấu gồm Báo cáo tài chính: Báo cáo theo từng dự án cụ thể, bao gồm các nội dung chính, khái quát chung về dự án; các khó khăn, tồn tại hiện nay; phương án xử lý và phân tích lý do đề xuất phương án; các kiến nghị. Phụ lục: bao gồm các báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty về 12 dự án.

 

Ngoài ra, Thứ trưởng Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân/tổ chức đối với các dự án. Khi tổ chức kiểm điểm đề nghị tập đoàn tổng công ty mời thêm thành phần Ban Nội chính - Văn phòng Chính phủ, Tổng cục, Cục, Vụ chuyên ngành, Vụ tổ chức cán bộ và thanh tra Bộ. Hoàn thành và báo cáo Bộ Công Thương ngay trong tháng 2/2017.

3 nhóm giải pháp để xử lý

Chia sẻ về phương hướng xử lý các dự án yếu kém này, trả lời báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cần làm ngay là tiến hành rà soát lại các một cách nghiêm túc và khách quan cả 12 dự án. “Đặt lên bàn cân” tất cả các nguyên nhân, bóc tách, làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan, đâu là trách nhiệm thuộc tập thể và cá nhân; đặc biệt, cần làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động hai mặt của dự án, từ đó đưa ra các phương án xử lý, giải quyết phù hợp; tập trung vào các giải pháp xử lý hiệu quả và khả thi nhất về tài chính, thị trường và quản trị doanh nghiệp. Theo đó, ông chia 12 dự án thành 3 nhóm khác nhau theo cấp độ cần thiết để xử lý.

Thứ nhất, nhóm quan trọng, nên duy trì, nhưng chuyển dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo cơ chế kết hợp kinh tế với quốc phòng, trước mắt giao cho quân đội quản lý, đồng thời chuyển đổi mục đích đầu tư và cơ chế quản lý dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2) sang thực hiện chủ yếu sản xuất thép đặc chủng, chuyên cung cấp cho đóng tàu, chế tạo vũ khí, thiết bị quân sự và tàu cá biển lớn, cũng như thép cao cấp phục vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đáp ứng nhu cầu đóng tàu vươn khơi hiện đang nóng và những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và hỗ trợ có nhu cầu ngày càng cao, có triển vọng xuất khẩu.

Thứ hai, nhóm cần thiết, đối với các dự án về sản xuất đạm và nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol thì xử lý theo những nguyên nhân cụ thể, với tinh thần tiếp tục duy trì, thúc đẩy cổ phần hóa và đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện hoạt động của chúng, đáp ứng nhu cầu tương lai ngày càng tăng của đất nước, tiến tới xuất khẩu.

 

Thứ ba, nhóm linh hoạt, với các dự án khác có thể linh hoạt xử lý cụ thể theo từng dự án đúng tinh thần bảo đảm cơ chế thị trường và không để thất thoát tài sản quốc gia, khuyến khích thực hiện cổ phần hóa và các hoạt động M&A, thậm chí cho phá sản hoàn toàn theo kiểu “thà đau một lần còn hơn kéo dài”, gây lãng phí nguồn lực quốc gia…

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo