Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần tạo cơ hội cho Doanh nghiệp tiếp cận vốn

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012 qua hiện tượng nhiều Ngân hàng Thương mại đồng loạt hạ lãi suất, TS Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc hạ lãi suất của các Ngân hàng Thương mại hiện nay là tín hiệu tốt, tuy nhiên bài toán cho tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tính thanh khoản của các Ngân hàng và sự phục hồi của thị trường tài sản là Thị trường chứng khoán và Bất động sản.

 PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa về vấn đề này.

´ Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2012 và những yếu tố nào sẽ là yếu tố chính để kích nền kinh tế phục hồi, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua đã có kết quả bước đầu quan trọng. Lạm phát đã giảm mạnh từ tháng 7.2011 đến nay và dự kiến lạm phát cả năm 2012 cũng chỉ từ 7-8%. Tỉ giá hối đoái khá ổn định. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt hơn 5,8% chủ yếu nhờ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp tăng 5,2%; xuất khẩu tăng 34% trong khi chủ số phát triển công nghiệp thì giảm mạnh từ 12,5% của quý I/2011 xuống còn 7% quý IV/2011. Vì vậy có thể thấy tăng trưởng kinh tế năm 2012 để đạt được chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra 6% là rất khó khăn do nông nghiệp không thể tiếp tục tăng như năm 2011; XK cũng khó có thể tăng cao như năm trước, trong khi chỉ số phát triển công nghiệp rất ì ạch. Tháng 1.2012 chỉ số này chỉ tăng so với tháng 12.2011 ở mức 2,4%, giảm so với cùng kỳ là 12,9%. Như vậy, triển vọng kinh tế năm 2012 phụ thuộc chủ yếu vào chỉ số phát triển công nghiệp. Nếu Chính phủ không có biện pháp để phục hồi ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành xây dựng và khu vực sản xuất hàng tiêu dùng thì tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

 

 Vậy ông đánh giá thế nào về động thái đồng loạt hạ lãi suất vừa qua của một số NHTM, phải chăng đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế?

- Vấn đề ở đây là lãi suất có giảm được không? Mặc dù chỉ số lạm phát đã giảm mạnh và lạm phát dự kiến đã giảm khá thấp, nhưng việc giảm lãi suất phụ thuộc chủ yếu vào thanh khoản của hệ thống Ngân hàng, mà việc này đang là vấn đề lớn do tỉ lệ nợ xấu của khối này khá cao; đặc biệt là nợ xấu Bất động sản, vì vậy trong khi thị trường Bất động sản đang đình trệ thì việc giải quyết nợ xấu và thanh khoản vẫn còn là bài toán phức tạp.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cố gắng để giải quyết thanh khoản, tái cấu trúc các Ngân hàng nhỏ nhưng thanh khoản hiện nay là cả một vấn đề lớn, trong đó cần một nguồn tài chính lớn để mua lại các khoản nợ xấu của các Ngân hàng Thương mại. Vì vậy chỉ đến khi Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề cơ bản của hệ thống Ngân hàng thì việc giảm lãi suất mới rõ ràng và chắc chắn, bền vững được vì việc giảm lãi suất có thể dẫn đến giảm tiền gửi và tăng nhu cầu tín dụng và có thể điều này làm thanh khoản căng thẳng trở lại, nhất là ở các Ngân hàng nhỏ.

Do đó phải làm cho tính thanh khoản của các Ngân hàng Thương mại nhỏ cho thật vững chắc đi đã. Mà để làm được thì phải mua lại được nợ xấu của Ngân hàng nhỏ.

´ Nói như vậy là cần có một biện pháp căn cơ hơn là đơn thuần chỉ giảm lãi suất, thưa ông?

- Thực tế xu hướng giảm lãi suất hiện nay bắt đầu từ các Ngân hàng lớn, có thanh khoản khá tốt và có vốn khả dụng tương đối cao. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi thì dư thừa thanh khoản ở các Ngân hàng này cũng không phải là nhiều. Các Ngân hàng này tham gia mua Trái phiếu Chính phủ những ngày gần đây chủ yếu để dự phòng thanh khoản trung hạn trong điều kiện cho vay ở thị trường liên Ngân hàng đang bế tắc, vì vậy tôi cho rằng Chính phủ cần những biện pháp cơ bản hơn. Nguồn tài chính đủ mạnh thì mới giải quyết được nhanh chóng thanh khoản trong NH, tạo ra xu hướng giảm lãi suất thực chất, phù hợp với tiến trình giảm lạm phát.

´ Ông có cho rằng đây là cơ hội cho các Doanh nghiệp tiếp cận vốn Ngân hàng, đặc biệt là các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Bất động sản?

- Thông thường các Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhanh chóng gặp khó khăn khi thắt chặt tín dụng, nhưng họ cũng nhanh chóng phục hồi khi khả năng tiếp cận vốn Ngân hàng dễ dàng hơn và thị trường phục hồi trở lại, gồm cả Thị trường chứng khoán và thị trường Bất động sản.

Vì vậy, việc làm tăng chỉ số công nghiệp phải tập trung trước hết vào khu vực Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn Ngân hàng của Doanh nghiệp khu vực này, biện pháp này phải được coi là biện pháp quan trọng song song với việc từng bước giảm lãi suất. Không nên chỉ là giảm lãi suất trên giấy. Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam phục thuộc nhiều vào hạ lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của Doanh nghiệp, nhưng việc hạ lãi suất lại phụ thuộc vào giải quyết thanh khoản và sự phục hồi của thị trường tài sản là Thị trường chứng khoán và Bất động sản. Trên thực tế, việc giảm lãi suất hiện nay của một số Ngân hàng Thương mại vẫn chưa phải là giảm mạnh và giảm mà Doanh nghiệp không vay được thì cũng không có tác dụng.

Theo Lao động

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo