Hỗ trợ doanh nghiệp

Cạnh tranh hay gây rối hoạt động kinh doanh?

Cạnh tranh trong kinh doanh chính là động lực để các doanh nghiệp phát triển. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thì áp lực cạnh tranh tăng lên rất lớn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chính phương pháp quản lý, chiến lược kinh doanh, trình độ chuyên môn, công nghệ, tiếp thị,…..

Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam những năm gần đây rất sôi động và đặc biệt sôi động hơn khi một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông tham gia vào thị trường. Từ đó, cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền đã thực sự trở thành một “cuộc chiến”.

Tháng 6/2015, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VN PayTV) đã tổ chức hội thảo về “Vấn đề xây dựng đơn giá thuê bao truyền hình trả tiền”. Tại hội thảo, các đơn vị truyền hình cáp đã tố cáo lẫn nhau cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hà Yên – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ được nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp.

Đến nay, “cuộc đua” về giảm giá cước vẫn được các doanh nghiệp truyền hình cáp áp dụng. Nhưng đó mới chỉ là một phần của “cuộc chiến” cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Một mặt, các doanh nghiệp liên tục đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng nhưng mặt khác, các doanh nghiệp truyền hình cáp lại dùng nhưng chiêu trò “bẩn” để triệt hạ đối thủ như: cắt cáp của đối thủ, đóng đinh vào cáp dẫn đến mất tín hiệu làm giảm uy tín của đối thủ với khách hàng…..

Ngày 28/11/2015, trong chuyến đi công tác tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), phóng viên của doanhnghiepvn.vn đã thấy sự việc hơi lạ là: trong cùng một con hẻm nhỏ thuộc phường 2 (TP Mỹ Tho) có rất đông nhân viên của SCTV và VTVcab đi đến từng hộ gia đình và cùng nhau tiếp thị.

 

Nhân viên VTVcab theo rất sát nhân viên SCTV
Nhân viên VTVcab theo rất sát nhân viên SCTV

Chúng tôi đã đi theo để tìm hiểu. Khi đến 1 hộ gia đình, nhân viên của SCTV đang giới thiệu cho chủ nhà những dịch vụ SCTV cung cấp và mời khách hàng trải nghiệm dịch vụ với uy tín lâu năm của SCTV thì nhân viên VTVcab chen vào nói: “Lâu năm nhưng là cáp đồng”. Rồi: “Bên đây có bao nhiêu khách hàng đâu, bên em có 7, 8 năm rồi còn bên đây là mới đây thôi……”. Khi nhân viên của SCTV giới thiệu về dịch vụ Internet, nhân viên VTVcab lại nói chen vào: “Bên đây dùng cáp đồng, bên em dùng cáp quang. Anh cứ so cái wave Trung Quốc với wave Nhật có thấy nó khác không? Tốc độ thấp nhất bên em là 10MB còn bên đây cao nhất có 10MB. Bên đây 10MB tới 410 ngàn còn bên em 10MB có 200 ngàn. Khoảng nửa tháng nữa là bên em có Internet…..”.

Khi hỏi 1 nhân viên của SCTV về hiện tượng 2 đơn vị cùng tiếp thị 1 lúc thì được biết, gần đây, cứ khi nào SCTV tổ chức tiếp thị trực tiếp thì có nhân viên của VTVcab đi theo và cứ nói chen vào khi nhân viên của SCTV đang giới thiệu dịch vụ cho khách hàng.

Để xác thực lời nói của nhân viên SCTV, chúng tôi di chuyển sang đường Hoàng Hoa Thám, phường 3 (TP Mỹ Tho) thì quả nhiên thấy rõ hiện tượng này. Nhân viên của VTVcab không hề chủ động vào nhà dân để tiếp thị mà chỉ đi sau nhân viên của SCTV. Nếu nhân viên của SCTV vào tiếp thị thì nhân viên VTVcab sẽ vào sau và nói xem vào khiến khách hàng bối rối, không biết phải nghe bên nào.

 

Nói xen vào khi nhân viên SCTV đang tiếp thị
Nói xen vào khi nhân viên SCTV đang tiếp thị

 

Vào 1 gia đình vừa lắp đặt xong dịch vụ của SCTV thì được chủ nhà tên Phong cho biết: “Nhà tôi đang dùng truyền hình cáp của VTVcab, nhưng tôi quyết định chuyển sang dịch vụ của SCTV. Vậy mà nhân viên VTVcab cứ chạy qua, chạy lại hỏi tại sao tôi chuyển. Tôi trả lời rằng, việc sử dụng dịch vụ của đơn vị nào là quyền của chúng tôi. Nếu chất lượng dịch vụ của các anh tốt đáp ứng được nhu cầu của tôi thì tôi đâu phải chuyển cho phức tạp. Nói chung, tôi thấy không nên có những hành động như vậy”.

Một nhân viên của SCTV cho biết thêm, trước đó, SCTV có tổ chức tiếp thị tại Đồng Nai và cũng bị nhân viên VTVcab đi theo và có những hành động tương tự như ở Mỹ Tho.

Qua sự việc này, chúng ta không khỏi thắc mắc: Tại sao các nhân viên của VTVcab tại Tiền Giang và Đồng Nai lại làm như vậy? Tại sao không đi tiếp thị ở địa bàn khác mà cứ phải đi theo nhân viên SCTV để tiếp thị cùng lúc? Phải chăng đây là chủ trương của VTVcab? Hành vi của nhân viên VTVcab là cạnh tranh hay gây rối hoạt động kinh doanh?

Cạnh tranh là yếu tố cần thiết trong hoạt động kinh doanh, hội nhập càng sâu thì áp lực cạnh tranh càng lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh trong kinh doanh phải tuân theo quy tắc cạnh tranh lành mạnh. Bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh không những làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp mà còn bị nghiêm cấm và xử phạt rất nặng. 

 Ngày 21/7/2014, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2104/NĐ-CP về Quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó điều 32 của Nghị định nêu rõ: Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

 

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau:

a) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác làm cho doanh nghiệp bị gây rối không thể tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh một cách bình thường;

b) Hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

3. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 28 của Nghị định này.

 

Nhóm PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo