CEO Lala: Cuộc chiến trong mảng giao thức ăn sắp tới sẽ ác liệt giống như mảng car, bike cách đây 4 năm!
Người ta cũng nhắc đến startup kỳ lân Go-Jek của Indonesia sẽ đến Việt Nam vào tháng 7 này. Một trong những mảng mà Go-Jek từng triển khai ở Indonesia là mảng thức ăn Go-Food.
Giao hàng trong mảng Go-Food, Grab Food là "on demand" (theo nhu cầu). Nghĩa là phải giao ngay cho khách hàng trong thời gian ngắn.
Ở Việt Nam, cũng có một startup giao hàng theo nhu cầu “made in Việt Nam”, đó là Lala. Lala mới thành lập và hiện cũng đã có một vị trí nhất định trong mảng giao đồ ăn tại Việt Nam.
Chúng tôi đã có cuộc chia sẻ với anh Vũ Hoàng Tâm, CEO của Lala, tại sự kiện Tiếp sức ngành bán lẻ với gói 21 tỷ đồng hỗ trợ 700 doanh nghiệp Việt. Sự kiện diễn ra tại TP.HCM.
Chào anh Tâm, anh nhận định như thế nào về thị trường giao đồ ăn hiện nay?
Thị trường giao đồ ăn hiện đang ở giai đoạn nóng lên. Hiện có Lala, Now, Grab Food và một số tên tuổi khác.
Theo anh thì thị trường giao đồ ăn nóng lên từ khi nào?
Trước khi Lala ra đời thì Now khá độc tôn trong khi cũng có một số những startup làm cùng mảng. Khi Lala ra đời cách đây 1 năm thì Now có những động thái khác, không giống như trước kia.
Nguyên nhân là do những bên làm giao thức ăn trước đây không có điểm nào đó đe dọa Now, nhưng hiện nay thị trường đã cạnh tranh hơn trước.
Lala ra đời cách đây 1 năm và đang kết hợp với tài xế của Ahamove để giao hàng F&B từ các quán ăn, nhà hàng, quán cafe… Tốc độ giao hàng trung bình của Lala chỉ ở mức 21 phút.
Giữa một thị trường rất nhiều lựa chọn, theo anh, vì sao người ta lại chọn Lala?
Với một đối thủ lớn của chúng tôi, họ có 500 nhân viên phục vụ và 500 nhân viên tổng đài. Mỗi lần gọi là phải gọi điện thoại đến tổng đài, rồi lại gọi đến cửa hàng. Họ sẽ mất thời gian.
Còn Lala có app, mọi thứ tự động hết. Nhà hàng mà Lala kết hợp chỉ cần cài app và khi cần bật app lên đặt người giao là xong. Do đó, thời gian giao hàng của chúng tôi trên thực tế chỉ khoảng 21 phút mà thôi.
Năm ngoái, khi bắt đầu ra mắt ứng dụng, chúng tôi đã có 6.000 tài xế, do kết hợp với Ahamove. Tài xế giao hàng của Lala đến từ Ahamove.
Số tài xế của Lala chỉ bằng một phần nhỏ của Grab?
Tài xế của Grab thì đông rồi (cười). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có sự khác biệt.
Đó là chúng tôi hợp tác với các nhà hàng, quán cafe để họ dùng app. Không giống như những thương hiệu khác là tài xế đến quán mua và giao cho khách hàng. Do đó, thời gian từ lúc khách đặt hàng đến lúc khách nhận được thức ăn sẽ ngắn. Tốc độ là một lợi thế của Lala.
Mà với đồ ăn, thời gian là điều rất quan trọng. Bạn thử tưởng tượng, một ly trà sữa để lâu thì sẽ tan hết đá và mất vị. Hơn nữa, khách có thể di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác nếu thời gian đợi đồ ăn lâu.
Thứ hai là Lala có data. Chẳng hạn như chúng tôi cung cấp dữ liệu về một khách hàng đến nhà hàng bao nhiêu lần, mỗi lần mua bao nhiêu…, chứ Lala không cung cấp thông tin của khách hàng cho nhà hàng. Thứ nhất để bảo vệ quyền riêng tư của khách. Thứ hai là để tránh trường hợp nhà hàng gọi điện “spam” đến khách hàng.
Tuy có lợi thế nhưng chắc hẳn Lala vẫn còn nhiều trở ngại. Vậy khó khăn của Lala là gì?
Như bạn biết đấy giờ cứ đặt đồ ăn là người ta nhắc đến Now. Now đi trước và tiên phong nên nhận diện thương hiệu tốt. Đó là ưu điểm của họ và cũng chính là nhược điểm của mình, đi sau phải bỏ tiền quảng cáo và "nhồi nhét" thông tin vào đầu khách hàng để họ nhớ đến mình.
Thị trường đã cạnh tranh như vậy. Sắp tới Go-Jek của Indonesia sẽ tới Việt Nam. Và sắp tới thị trường giao đồ ăn sẽ ra sao?
Sẽ khốc liệt như cách đây 4 năm khi "ride sharing" (dịch vụ chia sẻ xe bằng xe máy và ô tô) bắt đầu.
Sau vài năm nữa thì chắc hẳn sẽ có sự phân ngôi trong mảng giao đồ ăn?
Chắc chắn vì sẽ xảy ra các trường hợp sau. Thứ nhất là một trong các bên hết tiền. Thứ 2, còn tiền nhưng bỏ cuộc rồi bên này mua bên kia.
Lala thì sao, tương lai sẽ ra sao?
Những nhà đầu tư vào Lala đã đưa ra một số tiền tương đối. Họ cũng là những người có kinh nghiệm trong tech startup và biết game phải đấu như thế nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo