CEO mới của Sony không muốn tập trung vào sản xuất các thiết bị điện tử
Kenichiro Yoshida, người đảm nhận vai trò CEO vào tháng 4 vừa qua, sẽ công bố kế hoạch 3 năm cho công ty vào ngày thứ ba. Các dấu hiệu đang cho thấy công ty này đang ngày càng phụ thuộc vào thu nhập từ những tài khoản đăng kí tháng cho các dịch vụ game và giải trí. Quá trình chuyển đổi này đã diễn ra từ lâu: mặc dù công ty đã bán được ít các sản phẩm phần cứng hơn, như tivi, máy ảnh kĩ thuật số, smartphone, và máy PlayStation trong khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 3 năm nay, công ty đã có một lợi nhuận hoạt động cao kỉ lục.
Đây quả là một sự thay đổi lớn cho Sony, vốn là một công ty có sức mạnh lớn trong mảng sản xuất đồ điện tử. Sony đã khiến cho đài phát thanh radio trở nên phổ biến hơn cho người dùng, đã đem lại cho thế giới máy nghe nhạc cầm tay Walkman, và trong nhiều thập kỉ, tivi của hãng đã được cho là một trong những sản phẩm tốt nhất trong ngành.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các nhà sản xuất Trung Quốc, việc chế tạo và bán các thiết bị điện tử đã trở thành một mảng kinh doanh với biên lợi nhuận siêu mỏng. Các nhà đầu tư đã hoan nghênh sự chuyển đổi của công ty, kể từ khi Kazuo Hirai tiếp quản vị trí CEO vào năm 2012.
David Dai, một nhà phân tích của Sànord C. Bernstein & Co. tại Hồng Kông đã nhận định: "Yoshida rõ ràng là đang cho thấy một tín hiệu rằng, doanh thu định kì từ mảng kinh doanh nội dung, phần mềm, dịch vụ và các tài khoản đăng kí tháng là quan trọng. Đó chính là thứ sẽ thúc đẩy tăng trưởng và cũng sẽ duy trì tăng trưởng."
Tạm biệt thiết bị điện tử
Sony dự đoán rằng doanh số bán các sản phẩm phần cứng quan trọng của hãng sẽ giảm trong năm tới.
Câu hỏi lớn ở đây là, liệu Yoshida, người mà trước đây đã từng nắm giữ vị trí CFO trước khi lên chức CEO, liệu có thể thành công trong việc tạo ra sự phát triển trong mảng kinh doanh nội dung online, duy trì thu nhập định kì từ các tài khoản đăng kí tháng và từ việc cấp phép sở hữu tài sản trí tuệ hay không. Hệ máy PlayStation 4 đang cuối vòng đời của nó, và bộ phận Hollywood của công ty vốn cũng rất thất thường, lúc thì tạo ra siêu phẩm bom tấn, nhưng cũng nhiều lúc lại thất bại thảm hại.
Các câu hỏi khác mà Sony cần phải trả lời là liệu Yoshida sẽ có kế hoạch chi tiêu đống tiền mặt ngày càng tăng của Sony như thế nào để thu về nhiều nội dung hơn. Liệu công ty có muốn sáp nhập phim và âm nhạc vào cùng một bộ phận giải trí hay không, và liệu mảng stream game có phải là một khía cạnh quan trọng cho PlayStation 5 hay không.
Một khía cạnh quan trọng nữa là về mảng kinh doanh bán dẫn của Sony, hiện đang cung cấp chip máy ảnh di động cho iPhone và các mẫu điện thoại khác. Lợi nhuận hoạt động cho mảng kinh doanh đó đang giảm 39% trong năm tài chính hiện tại, một phần là do nhu cầu smartphone toàn cầu cũng đang suy giảm.
Nhà phân tích Ryosuke Katsura bình luận: "Sony đang chứng minh rằng họ có thể phát triển cùng với cảnh quan thị trường... bằng việc chuyển từ mô hình lợi nhuận từ phần cứng sang mô hình lợi nhuận từ nội dung. Chìa khoá đặt ra ở đây là liệu họ có thể cho các nhà đầu tư thấy một con đường phát triển rõ ràng hay không."
Vào ngày thứ ba, Yoshida sẽ trình bày chiến lược trung hạn của họ cho đến năm 2021.
Bản trình bày ngày thứ ba có nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh sức mạnh của mảng kinh doanh nội dung của Sony. Lợi nhuận từ các đơn vị game đã tăng, kể cả khi doanh thu bán PS4 giảm 20%, nhờ vào doanh thu định kỳ từ hệ thống PlayStation online network. Số người đăng kí dịch vụ trả phí tháng đã tăng 64% so với 2 năm trước, lên đến con số 34,2 triệu.
Sony thu về 2 tỷ USD từ mảng game trực tuyến
Các thành viên đăng kí dịch vụ sẽ phải trả 60 USD mỗi năm cho game online trên PlayStation 4.
Con đường chuyển giao sang nội dung online cũng khá gập ghềnh cho Sony. Dịch vụ truyền hình trực tuyến của Sony, PlayStation Vue, vẫn tiếp tục thua lỗ. Dịch vụ này đã không còn tiếp cận được với các đài ABC, CBS, Fox và NBC. Vào cuối năm 2016, Sony cũng không còn liên hệ với các đài của Viacom Inc., và vì thế, người đăng kí sẽ không còn được xem Comedy Central và MTV.
Mảng game và chip cùng nhau đã tạo ra hơn một nửa khoản thu nhập của công ty trong năm ngoái. Nhưng ngoài hai ảmng đó ra, Yoshida có nhiều khả năng sẽ nói thêm về tầm quan trọng của việc sở hữu tài sản trí tuệ và cấp bằng sáng chế. Vào thứ hai, Sony đã bỏ ra 185 triệu USD để mua về 39% cổ phần của Peanuts Holdings, chủ sở hữu của thương hiệu Snoopy.
Như Nobuyuki Idei, cựu giám đốc điều hành, người đã từng dẫn dắt Sony khi công ty còn là một nhà sản xuất phần cứng, đã cảnh báo vào năm 1999, vào lúc kỉ nguyên internet mới bắt đầu, rằng: "Mảng kinh doanh phần cứng chỉ là tiền lẻ mà thôi."
End of content
Không có tin nào tiếp theo