CEO Vietjet: Tôi bỏ những đố kỵ và danh hiệu tỷ phú ngoài phòng làm việc
Trong danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2018 vừa được Forbes công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những người có bước tiến mạnh nhất với hơn 900 bậc tăng.
Từ vị trí 1.678 với giá trị tài sản ròng ở mức 1,2 tỷ USD vào tháng 3/2017, sau một năm, thứ hạng của bà đã vọt lên 766 cùng tổng tài sản tăng hơn 2,5 lần (3,1 tỷ USD).
Tuy nhiên, thứ hạng và sự cân đo đong đếm tài sản của Forbes dường như không mấy ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống riêng của bà. Nữ doanh nhân cho biết, hơn một năm qua, bà bỏ danh tiếng tỷ phú bên ngoài phòng làm việc cũng như ngưỡng cửa nhà. Như trước đó từng phát biểu, bà thú nhận chưa bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền.
Nhiều người từng tiếp xúc cho rằng, bà Thảo không phải là mẫu doanh nhân nói suông mà giống kiểu một "nữ chiến binh" có tinh thần lăn xả hơn. Nhân viên của bà kể, phòng làm việc của tổng giám đốc sáng đèn đến 2-3h sáng, kể cả những ngày nghỉ lễ, là chuyện bình thường.
Nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự nhau về bí quyết thành công trong thương trường, bà Thảo nói mình không sử dụng chiêu trò. Thay vào đó, bà nhắc nhiều đến việc mơ lớn, kinh doanh lương thiện và tự tin.
“Người Việt Nam có thể làm được và làm tốt những điều thế giới có thể làm”, bà Thảo nói về niềm tin của mình sau nhiều năm kinh doanh.
Có được những thành công từ rất sớm, khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học và trong nhiều lĩnh vực như thương mại quốc tế, ngân hàng, bất động sản, nghỉ dưỡng cao cấp… nhưng danh tiếng của bà Thảo gắn nhiều với Vietjet.
Năm ngoái, hãng hàng không này vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách với doanh thu cả năm đạt 22.577 tỷ đồng, tăng 41,8% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng, tăng 75,9% so với năm 2016 và vượt 26% kế hoạch.
Ít ai biết rằng, khi cầm giấy phép năm 2007, bà Thảo đã từng lên kế hoạch xây dựng một hãng hàng không 5 sao. Nhưng “giấc mơ bay” đã vấp phải hiện thực khắc nghiệt. Đó là giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường nặng định kiến với hàng không tư nhân, hạ tầng, chính sách hàng không la liệt bất cập.
“Trong bối cảnh tài chính toàn cầu đang chao đảo, chúng tôi đã dừng lại một nhịp để nghiên cứu kỹ hơn và chuẩn bị cho mình một con đường riêng”, bà Thảo nói và cho biết, con đường riêng đó bắt đầu từ việc từ bỏ mô hình hàng không 5 sao sang mô hình để hành khách được tự chọn dịch vụ, thay vì kèm tất cả vào giá vé.
Trên thực tế, hãng bay cất cánh trong âu lo của cả người trong cuộc lẫn người quan sát. Không ai nghĩ hãng có lãi chỉ sau 2 năm hoạt động và sau đó tăng trưởng mỗi năm trên 30%.
“Các ý tưởng và mô hình kinh doanh khác biệt luôn có nhiều thách thức và đa số sẽ cho đó là những điều không tưởng. Ngành hàng không ở Việt Nam là một ví dụ, khi từng là một ngành độc quyền và đóng cửa toàn diện, với duy nhất mô hình nhà nước và lối tư duy truyền thống”, bà Thảo bình luận về những ngày đầu của hãng.
Khi được hỏi về những bài học lớn trong đời kinh doanh của mình, nữ tỷ phú nhấn mạnh đến cái nhìn toàn cầu và cách bỏ qua những đố kỵ.
Theo bà, bài học lớn đầu tiên là phải dẫn đầu và tạo ra xu thế với cái nhìn toàn cầu; xây dựng mội công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hoá để hấp thụ những gì tiên tiến nhất.
Bài học thứ hai là, khi mơ những giấc mơ to lớn, làm những điều mới mẻ thì hầu như tất cả mọi người đều cho là không tưởng. Phải bỏ qua dư luận đó.
“Xung quanh bạn lại còn tính đố kỵ cố hữu của con người. Vậy thì hãy mỉm cười đi qua những bão giông dư luận trái chiều. Tiếp theo, hãy yêu quý công ty của mình và nuôi dưỡng như con đẻ của mình, vì không có ai yêu quý nó hơn bạn. Hãy coi nhân viên như người thân, bởi hai phần ba thời gian cuộc sống là bạn chia sẻ cùng họ. Hãy mang đến cho họ sự công bằng, khả năng thăng tiến và hạnh phúc với công việc”, bà nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo