Hỗ trợ doanh nghiệp

Chậm đăng ký lại doanh nghiệp FDI: Cần phương án “cấp cứu” doanh nghiệp?

Khoảng gần 800 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP.Hồ Chí Minh có nguy cơ phải giải thể, ngưng hoạt động, vì sắp hết thời hạn của giấy phép đầu tư mà lại chưa thực hiện đăng ký lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

Thừa nhận điều này, một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình trạng này phổ biến ở khá nhiều địa phương trong cả nước.

 

“Nhiều doanh nghiệp FDI không thực sự quan tâm đến việc đăng ký lại. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp và do doanh nghiệp . Sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, các doanh nghiệp đã có 3 năm (đến năm 2009) để thực hiện đăng ký lại, sau đó lại được gia hạn tiếp đến hết tháng 6/2011, nhưng rất nhiều doanh nghiệp FDI không đến đăng ký lại và đó là sự lựa chọn của họ”, vị này nói.

 

Câu chuyện chỉ bắt đầu nóng lên, khi Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tình trạng cấp bách ở địa phương mình. Đó là sẽ có khoảng gần 800 doanh nghiệp FDI có nguy cơ phải giải thể, ngưng hoạt động, vì sắp hết thời hạn của giấy phép đầu tư, nhưng chưa thực hiện đăng ký lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

 

Tình trạng thậm chí cấp bách đến mức, có doanh nghiệp chỉ còn thời hạn hoạt động 1 tháng.

 

Cụ thể, đến ngày 30/6/2011, TP.Hồ Chí Minh có khoảng 784 doanh nghiệp FDI hoạt động theo giấy phép đầu tư được cấp trước ngày 1/7/2006, nhưng chưa thực hiện đăng ký lại.

 

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, thì doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư trước ngày 1/7/2006 có quyền lựa chọn đăng ký hoặc không đăng ký lại. Tuy nhiên, nếu không đăng ký lại, khi hết thời hạn của giấy phép, doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động.

 

Bởi thế, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã phải có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai phương án để xử lý.

 

Phương án 1, sẽ gia hạn thời gian hoạt động bằng cách cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh nội dung thời gian hoạt động tại giấy phép đầu tư đã cấp cho doanh nghiệp . Với hình thức này, doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong phạm vi đã cấp phép, nhưng sẽ không được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành, cho đến khi có quy định mới của pháp luật.

 

Phương án 2, Chính phủ xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập doanh nghiệp với tên mới cho nhà đầu tư của doanh nghiệp đã được cấp giấy phép chưa thực hiện đăng ký lại. Nội dung hoạt động kinh doanh và mục tiêu hoạt động dự án vẫn giữ nguyên theo nội dung giấy phép cũ đã được cấp.

 

Đề xuất hai phương án, song Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh nghiêng về phương án 1, bởi phương án này sẽ tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp .

 

Tuy nhiên, phương án này lại nhưng chưa đúng quy định của Nghị định số 101/2006/NĐ-CP về việc quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

 

Trong khi đó, phương án 2 phức tạp, có nhiều yếu tố rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp và không thuận lợi trong quản lý nhà nước.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, GS.TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thu hút FDI chậm lại như hiện nay, không nên quá câu nệ khi thực hiện các quy định liên quan đến việc này.

 

“Nên cởi mở và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI hiện đang làm ăn tốt tiếp tục sản xuất - kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

 

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, đa số doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lại hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất hàng hóa…, những ngành thu hút nhiều lao động và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của Thành phố.

 

Nếu các doanh nghiệp này phải ngừng hoạt động, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc làm, thu nhập của người lao động, môi trường đầu tư, cũng như làm giảm sút hơn 600 triệu USD vốn FDI của Thành phố.

 

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hải Phòng và ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội, cùng với việc thừa nhận thực tế tương tự TP.Hồ Chí Minh, cũng đã đề xuất nên có những quy định cởi mở hơn cho doanh nghiệp .

 

“Không nên giới hạn thời gian doanh nghiệp FDI phải đi đăng ký lại, mà nên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn nữa”, ông Sơn nói và cho biết, đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc này.

 

Thực tế, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, cùng với việc đề xuất hai phương án “cấp cứu” cho doanh nghiệp FDI, thì cũng đã kiến nghị Chính phủ nên sửa đổi Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngay trong năm 2012, cho phép doanh nghiệp chưa đăng ký lại được phép gia hạn thời gian hoạt động trong khi chờ sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005.

 

Đồng thời, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005, bãi bỏ thời gian thực hiện đăng ký lại của doanh nghiệp tại Điều 170 của Luật.

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo