Chi phí không chính thức là "tham nhũng vặt" nhưng hậu quả lớn
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra sáng 23/8, một vấn đề được nêu ra là số lượng doanh nghiệp thành lập mới thời gian qua được xem là tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vì không cáng đáng nổi chi phí đã phải sớm giã từ thị trường, từ bỏ "giấc mơ khởi nghiệp".
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, việc doanh nghiệp gia nhập hay rút khỏi thị trường là một hoạt động hết sức bình thường. Không phải tất cả doanh nghiệp nào rút khỏi thị trường đều do không chịu được chi phí nhưng cũng có doanh nghiệp không chịu được chi phí nên họ rút ra. Không có ai có thể đảm bảo, không doanh nghiệp nào có thể đảm bảo doanh nghiệp nào ra đời cũng tồn tại được mãi mãi. Đây không phải lỗi tại cơ chế, chính sách.
“Chi phí không chính thức từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “tham nhũng vặt” nhưng hậu quả của nó thì cũng không kém tham nhũng lớn thậm chí kinh khủng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Đông nói.
Chính vì thế, theo ông Đông, để giải quyết tham nhũng vặt, phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính thực hiện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
"Tôi muốn nói cụ thể hơn là chính sách rất mạnh mẽ của Chính phủ nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới là xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến, hồ sơ càng được xử lý thông qua mạng bao nhiêu thì càng giảm thiểu tham nhũng và chi phí phi chính thức bấy nhiêu. Đối với chi phí chính thức, có rất nhiều dư địa mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
"Cả chi phí chính thức và phi chính thức, theo quan điểm của tôi phải làm rất mạnh mẽ, quyết liệt, phải đối thoại với nhau giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không lảng tránh, vì lợi ích chung và chúng ta công khai hóa. Nêu vấn đề ra rồi nhưng nếu chúng ta không bàn đến giải pháp, giành đủ thời gian bàn ra giải pháp thì mọi thứ chúng ta cứ nêu ra để đấy", ông Đông nói thêm.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Đông, ông Ngô Văn Điểm - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phân định chi phí cho rõ, một là chi phí kinh doanh nói chung, đó là các quy định của nhà nước tác động đến mọi doanh nghiệp như nhau, hai là chi phí của từng doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp khởi nghiệp còn khó khăn thì phải xét trên chi phí của doanh nghiệp.
"Trên thực tế, con số được công bố chính thức thì cứ 3 DN ra đời thì có ít nhất 3 DN giải thể thoặc đóng cửa. Tại sao có con số đó, bởi các DN mới ra đời thì tiếp cận nguồn lực chi phí rất cao bởi hầu hết là DNNVV, khi anh tiếp cận đất đai giá nó lên mà anh lại gặp phải thị trường cạnh tranh không lành mạnh thì anh sẽ thuê đất rất khó, thuê văn phòng rất khó", ông Điểm nói.
Theo ông Điểm, không chỉ giảm chi phí mà còn cần giảm cả thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) đang rất phiền hà, làm nản lòng các DN, nhất là các DN mới ra đời. Bên cạnh nhập khẩu là vận tải, riêng đường QL1 có 40 trạm thu phí.
"Đối với xe con, đi qua hết 40 trạm này mất 1,3 triệu đồng tiền lệ phí, trong khi xe tải trọng lớn mất 10-20 lần tiền phí như vậy, rồi chi phí logistics nữa", ông Điểm nói.
Thêm nữa, một chi phí DN nào cũng vấp phải là điện năng, chiếm khoàng 10% tổng chi phí của DN, mà tư duy tiết kiệm điện năng lại không có nên càng tốn kém. Chi phí nữa mà các DNNVV mới ra đời đều phải cõng, đặc biệt là các DN làng nghề, hộ kinh doanh cá thể đó là chi phí môi trường.
Chính vì vậy, theo ông Điểm, các chi phí chính thức là các loại chi phí được nhà nước quy định một cách minh bạc, rõ ràng, còn thực hiện chưa chuẩn là việc khác. Chi phí không chính thức là một loại chi phí ngầm, chi phí ngoài luồng rất rắc rối, ở Việt Nam, con số này không hề thấp, dẫn đến cơ chế thị trường méo mó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo