Chính phủ bảo lãnh dự án điện hơn 5.000 tỷ đồng của EVN
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo lãnh cho dự án với các điều kiện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) chịu trách nhiệm đảm bảo thu xếp đủ vốn chủ sở hữu cho dự án theo quy định, phù hợp với tiến độ triển khai Dự án; đăng ký tài sản đảm bảo đối với tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và văn bản hướng dẫn liên quan.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giám sát, thúc đẩy việc triển khai các dự án nguồn điện có ảnh hưởng đến dự án đúng tiến độ để đảm bảo nguồn thu cho dự án đường dây truyền tải; giám sát việc NPT thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, sử dụng và bố trí nguồn vốn trả nợ khoản vay nước ngoài. Trường hợp NPT không đảm bảo cân đối nguồn trả nợ, EVN có trách nhiệm cân đối nguồn đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn với tư cách Công ty mẹ và có văn bản cam kết với Bộ Tài chính.
Mức phí bảo lãnh là 0,25%/năm tính trên dư nợ của khoản vay bảo lãnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NPT chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả; đúng tiến độ đã dự kiến; cân đối nguồn, đảm bảo trả nợ khoản vay nước ngoài cho dự án đầy đủ, đúng hạn trong mọi trường hợp; quản lý các chi phí đầu tư, rủi ro về biến động tỷ giá và biến động lãi suất vay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương giám sát và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án lưới điện và các dự án nguồn điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đúng thời hạn đã được phê duyệt; giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của EVN và NPT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp EVN và NPT gặp khó khăn tài chính.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Thư bảo lãnh và giao Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ ký Thư bảo lãnh cho Hợp đồng tín dụng không ràng buộc có bảo hiểm NEXI vay các ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng BNP Paribas làm ngân hàng đại lý.
Bộ Tư pháp cấp Ý kiến pháp lý về Thư bảo lãnh và Người bảo lãnh.
Được biết, dự án đường dây 500 KV Trung tâm điện lực Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên có tổng mức đầu tư hơn 5.333 tỷ đồng.
Công trình có quy mô: xây dựng đường dây 500 kV 2 mạch dài khoảng 243 km nối từ sân phân phối 500 kV của TBA 500 kV Vĩnh Tân đến cột rẽ nhánh (Vị trí G1-03) của ĐZ 500 kV Sông Mây - Tân Uyên; lắp đặt thiết bị cho 02 ngăn lộ ĐZ 500 kV tại TBA 500 kV Vĩnh Tân. Đường dây đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai.
Công trình được đầu tư xây dựng nhằm góp phần giải phóng công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận vào hệ thống điện Quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo