Chính phủ số

Thuê doanh nghiệp làm trọn gói dịch vụ công trực tuyến: Bước chuyển lớn trong xây dựng chính phủ số

DNVN- Trước đây, các bộ, ngành, địa phương tự xây dựng, vận hành dịch vụ công trực tuyến. Song, hiện các cơ quan Nhà nước không chỉ thuê phần mềm, thuê máy, mà còn thuê dịch vụ trọn gói từ doanh nghiệp. Đây là bước tiến rất lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ công trực tuyến, nền tảng của Chính phủ và chính quyền điện tử.

Khởi động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số / Bluezone có 25 triệu lượt tải, nằm trong top ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất

Bước chuyển lớn trong tư duy
Trước đây, ở nước ta đã có thời kỳ các bộ, các ngành, các địa phương thường tự xây dựng phần mềm phục vụ việc vận hành dịch vụ công trực tuyến thông qua các đơn vị công nghệ thông tin trong từng cơ quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực lập trình, viết và vận hành phần mềm, nên thời gian xây dựng rất lâu, chi phí lớn, trong khi chất lượng phần mềm không bảo đảm, dẫn tới chất lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp tới người dân, doanh nghiệp chưa tốt.
Sau đó, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã chuyển sang thuê hoặc đặt phần mềm từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Sau đó, mọi việc vận hành, bảo trì đều được chuyển giao lại cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Cách làm này tuy đã giúp rút ngắn thời gian triển khai, giảm chi phí, nhưng vẫn bất tiện bởi khi hệ thống trục trặc sẽ mất nhiều thời gian hơn để kết nối giữa cơ quan, đơn vị vận hành với doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.
Gần đây, việc xây dựng hạ tầng, phần mềm và vận hành dịch vụ công trực tuyến đã có bước tiến rất quan trọng khi các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển hẳn sang thuê dịch vụ trọn gói từ các doanh nghiệp. Điều này đã phát huy tác dụng cực kỳ lớn, không chỉ tiết kiệm về chi phí, thời gian triển khai, mà còn giúp việc vận hành hệ thống được trơn tru hơn, qua đó tạo thuận lợi, nhanh chóng hơn rất nhiều cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
“Ngay từ Hội nghị Chính phủ với địa phương khi nói về xây dựng Chính phủ điện tử hay Chính phủ số thì Thủ tướng Chính phủ đã nói rồi, phải thay đổi cách làm. Trước đây, các trung tâm tin học (trong các cơ quan nhà nước-PV) cố gắng tự học, tự làm. Bây giờ, chúng ta coi đây là dịch vụ để thuê, không chỉ đơn thuần là thuê máy, thuê phần mềm, mua phần mềm, mà thuê luôn cả dịch vụ ấy. Các doanh nghiệp sẽ vào làm trọn gói. Chúng ta kết nối các nền tảng, các phần mềm chung lại để tiết kiệm chi phí”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy trong Hội nghị tổng kết 1 năm vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia diễn ra cách đây ít lâu.
Phấn đấu sớm đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4
Dịch vụ công trực tuyến là việc các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công trên nền tảng mạng Internet hoặc nền tảng kỹ thuật số. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp có thể điền, gửi hồ sơ qua mạng nhưng phải nộp phí, lệ phí và nhận kết quả tại cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp có thể điền, gửi hồ sơ, nộp phí, lệ phí trực tuyến; có thể nhận kết quả trực tiếp, trực tuyến hoặc qua bưu điện…
Để vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thì việc cung cấp 100% dịch vụ công không thuộc những lĩnh vực liên quan tới bí mật quốc gia theo hình thức trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là yêu cầu cực kỳ quan trọng-nó cũng là nền tảng để một quốc gia có thể chuyển mình thành công trong cuộc cách mạng 4.0.
Đến nay, Bộ Y tế, Bộ TT&TT trở thành 2 cơ quan cấp bộ đầu tiên triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đây là “nguồn cảm hứng” và là động lực thi đua để các bộ, ngành, địa phương khác cố gắng phấn đấu sớm đạt chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Để làm được điều này, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hợp tác mạnh mẽ hơn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông theo quy định của pháp luật về vấn đề này, đặc biệt là Luật Công nghệ thông tin; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 40/2020/TT-BTTTT quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm….
Với chủ trương của Chính phủ và theo quy định của pháp luật, hy vọng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tiếp tục khẳng định được thế mạnh, cùng các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công đưa Việt Nam tăng tốc trên hành trình chinh phục cuộc cách mạng 4.0…
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm