Chuyển đổi số

Thành phố nông nghiệp công nghệ cao đang “khát” nguồn nhân lực trình độ cao

DNVN - Là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, TP.HCM thu hút đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố đào tạo hàng triệu sinh viên mỗi năm nhưng ngành nông nghiệp vẫn “khát” lao động trình độ cao.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP Thủ Đức sẽ là trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn trong nước và quốc tế / Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Phát triển kinh tế trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ

Ngành Nông nghiệp TP.HCM được đánh giá là tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, kéo theo năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của thành phố trong năm 2020 ước đạt bình quân 600 triệu đồng/ha/năm.

Thời gian qua, TP.HCM đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học,… hoạt động bước đầu có hiệu quả; thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng từ sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang là xu hướng mới.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang là xu hướng mới.

Trong định hướng phát triển thời gian tới, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu rõ, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, thành phố sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố; phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp công nghệ cao. Và một trong 12 chương trình trọng điểm là Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2030.

Có thể thấy, hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất lớn, hiện đại là một tất yếu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, thời gian qua, thành phố luôn chú trọng việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đã hình thành nhiều loại hình và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ đó, những năm qua, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp ở thành phố liên tục tăng, từ hơn 282 triệu đồng vào năm 2014 lên 502 triệu đồng vào năm 2018, bình quân tăng 12,2%/năm, năm 2019 ước đạt 550 triệu đồng/ha/năm và đến năm 2020 con số này đã đạt 600 triệu đồng/ha/năm. Từ những con số thống kê này có thể thấy, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn (đặc biệt là do nguồn đất và nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy, khu công nghiệp xả thải)… thì phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu mà TP.HCM đã xác định từ trước.

TP.HCM vẫn thiếu hụt nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.

TP.HCM vẫn thiếu hụt nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy vậy, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, một thực trạng đang diễn ra hiện nay đó là các khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đang thiếu nhiều lao động với kinh nghiệm và kiến thức về khoa học, công nghệ để đáp ứng được nền sản xuất sạch, an toàn.

Theo nhận định của PGS-TS Dương Hoa Xô, những năm gần đây, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có xu hướng tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động tại TP.HCM nên nhu cầu nguồn lao động rất cao. Tuy nhiên việc thiếu và yếu về nguồn nhân lực, thiếu kiến thức… là những rào cản mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cùng các doanh nghiệp luôn phải tìm cách giải quyết. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong các giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của TP.HCM hiện nay.

Về vấn đề này, TS. Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc quan trọng nhất cần làm là thực hiện tốt công tác hướng nghiệp tại các trường THPT; các trường đại học, viện nghiên cứu cần liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu đặt hàng. Hiện nay các cơ quan Nhà nước cũng đang vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo TS. Lê Minh Khánh, hiện nay các cơ quan nhà nước cũng đang vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Theo TS. Lê Minh Khánh, hiện nay các cơ quan nhà nước cũng đang vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, phân tích, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và là một quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra các nước với một vị thế khá cao như cà phê, gạo, chè… Tuy nhiên, so với các nước Đông Nam Á chúng ta còn thua, so với các nước có nền nông nghiệp phát triển tốt như Israsel, Hà Lan thì Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều. Làm thế nào để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao vượt bậc trong bối cảnh hiện nay là câu chuyện mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người dân Việt Nam đang rất quan tâm.

Theo PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu, để phát triển ngành nông nghiệp thì không còn cách nào khác là ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, gia tăng sản phẩm có giá trị hơn, đây là xu thế phát triển hiện nay, với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. “Bởi, nếu chúng ta chỉ phát triển nông nghiệp bằng cách tăng sản lượng, tăng năng suất, mở rộng diện tích nuôi trồng, trong khi đất để phát triển nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nguồn lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ngày càng ít, xâm nhập mặn ngày càng cao, nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp cực kỳ khó khăn”, bà Trần Thị Mỹ Diệu phân tích.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm