Chính phủ số

Tự động hóa trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

DNVN - Dự thảo Nghị định kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu được xây dựng theo nguyên tắc ưng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin; công khai minh bạch thông tin, kết nối chia sẻ thông tin; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng để giảm tỉ lệ kiểm tra.

Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp KH&CN: Bước đột phá lớn để DN phát triển vượt đại dịch Covid-19 / 9 trường hợp không được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng

Xây dựng nghị định kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

Ngày 30/3/2021, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số bộ quản lý ngành lĩnh vực liên quan, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức giám định chất lượng và đánh giá sự phù hợp, đại diện các cục hải quan địa phương và các chuyên gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh Nghị định bám sát 7 nội dung cải cách trong Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (ban hành kèm theo Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Để các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được triển khai nghiêm túc, đúng định hướng nhằm cải cách hơn nữa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể, chi tiết vào nội dung dự thảo để mang lại hiệu quả khi triển khai trên thực tiễn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu tại Hội thảo ngày 30/3/2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu tại Hội thảo ngày 30/3/2021.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ bày tỏ hoan nghênh những nỗ lực của Tổng cục Hải quan trong việc đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ.

Theo ông Claudio Dordi việc triển khai đầy đủ Đề án và mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho doanh nghiệp, bao gồm tăng cường áp dụng quản lý rủi ro, giảm mức độ kiểm tra và chuyển đổi số nhiều hơn thông qua việc tích hợp cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống CNTT của Hải quan.

Chuyển đổi phương thức kiểm tra được thực hiện tự động

Tại hội thảo, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đã giới thiệu dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Chính phủ giao theo Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, điểm quan trọng của dự thảo Nghị định là nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro; áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố trên Công thông tin một cửa quốc gia.

Quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ được triển khai tự động hóa.

Quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ được triển khai tự động hóa.

Các phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy hoặc hàng hóa chưa đăng ký bản công bố hợp quy có 3 lần liên tiếp kiểm tra chặt đạt yêu cầu thì được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa có 3 lần liên tiếp kiểm tra thông thường đạt yêu cầu thì được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra giảm. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được thực hiện tự động thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tổ chức, cá nhân tra cứu Cổng thông tin một cửa quốc gia để xác định phương thức kiểm tra và nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức phù hợp.

Dự thảo Nghị định sẽ cắt giảm chứng từ kiểm tra (giảm 5 loại giấy tờ so với quy định tại Nghị định 154/2018/NĐ-CP; tích hợp các chứng từ trong bộ hồ sơ để doanh nghiệp không phải nộp trùng lặp các chứng từ chuyên ngành).

Đặc biệt, đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ nếu lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên 5% (còn lại 95% hàng hóa chỉ phải đăng ký kiểm tra).

Đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh mục tiêu của quy trình kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm là đơn giản quy trình, thủ tục kiểm tra. Theo đó việc kiểm tra sẽ áp dụng theo mặt hàng. Tức là quy định về hàng hóa giống hệt để hệ thống quyết định chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng.

Bên cạnh đó công khai minh bạch thông tin, kết nối chia sẻ thông tin. Để đáp ứng mục tiêu này bô, ngành, cơ quan Hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải cập nhật thông tin lên Cổng thông tin một cửa quốc gia gồm: hàng hóa được miễn kiểm tra; hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra; hàng hóa đăng ký bản công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, tự công bố; kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; danh sách hàng hóa đã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đã ký kết điều ước quốc tế, hàng hóa có cảnh báo…

Với những thông tin được công bố công khai, doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể tra cứu tình trạng hàng hóa trên Cổng để đăng ký kiểm tra theo phương thức phù hợp.

Một điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định là quy định quyền của người nhập khẩu được lựa chọn cơ quan kiểm tra (đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt, thông thường); được lựa chọn tổ chức chứng nhận/giám định; tra cứu thông tin của hàng hóa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để đăng ký kiểm tra theo phương thức phù hợp…

Xung quanh các nội dung của dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Hội thảo đã nghe thảo luận, đóng góp ý kiến và phản hồi từ các bộ quản lý ngành lĩnh vực, khu vực tư nhân, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức giám định chất lượng và đánh giá sự phù hợp, chuyên gia về dự thảo Nghị định và mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm mới.

Các ý kiến doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời các ý kiến cũng đi sâu góp ý từng điều khoản cụ thể tại dự thảo.


Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm