Chính sách

Tránh tư duy "lấp đầy" khi thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế ven biển

DNVN - Đưa ra bài học thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam, chuyên gia Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng khuyến nghị cần chú ý chất lượng và hiệu quả đầu tư, tránh tư duy “lấp đầy”.

Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền tổ quốc / Kinh tế biển Lý Sơn bước đầu thu hút đầu tư

Hoạt động khu kinh tế ven biển chưa tạo lan tỏa lớn

Theo chuyên gia Lê Văn Hùng, Việt Nam hiện có 19 KKT ven biển được thành lập từ năm 2006 đến năm 2011, bao gồm các KKT Vân Đồn, Quảng Yên, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây-Lăng Cô, Vân Phong, Nam Phú Yên, Định An, Năm Căn, Phú Quốc, Đông Nam, Thái Bình, Ninh Cơ.
Trong đó, có 18 KKT ven biển theo mô hình đa ngành (công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại, cảng- hậu cần, đô thị,..) và KKT ven biển Phú Quốc theo mô hình tập trung (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trung tâm tài chính).
Hiện đã thành lập 37 khu công nghiệp với 20 khu công nghiệp đang hoạt động và 17 khu công nghiệp đang xây dựng.
Một góc khu kinh tế mở Chu Lai

Tuy nhiên, hoạt động của nhiều KKT ven biển chưa tạo ra sự lan tỏa lớn, xét theo các hình thức lan tỏa từ khu vực FDI tới khu vực nội địa; lan tỏa từ các doanh nghiệp trong khu với khu vực bên ngoài và thu hút lao động làm việc còn nhỏ.
Cùng đó, chất lượng các dự án đầu tư còn thấp, vốn đầu tư chủ yếu tập trung những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng (hóa dầu, thép, xi măng, nhiệt điện).
Công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tập trung công đoạn thấp (lắp ráp, sản xuất giản đơn), dự án trình độ cao còn hạn chế. Các dự án đầu trong các khu thuộc đa ngành nghề, lĩnh vực, ít có tính cộng sinh công nghiệp.
Cũng theo ông Hùng, vấn đề qui hoạch phát triển KKT ven biển còn nhiều vấn đề cần bàn.
“Quy hoạch phát triển KKT ven biển quá nhiều trong cùng một giai đoạn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhất là ngân sách dẫn đến diện tích bỏ hoang còn nhiều. Qui hoạch còn nặng tính địa phương, lợi ích ngắn hạn, chưa chú ý ở tầm vùng, quốc gia. Đồng thời, quy hoạch và thực tế triển khai thực hiện qui hoạch còn thiếu thực tế. Phần lớn các KKT ven biển phát triển dựa trên mô hình đa ngành nghề, ít thu hút theo mô hình tập trung, chuyên sâu”, ông Hùng nói.
Về vấn đề hạ tầng và môi trường kinh doanh, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng cho rằng hiện cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ về hạ tầng xã hội và trùng lắp giữa cảng biển, sân bay.
Chất lượng các nguồn đầu vào (chất lượng lao động, chất lượng đô thị, dịch vụ đô thị như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí,..) còn khó khăn.
Ngoài ra, việc phân cấp phân quyền trong quản lý KKT ven biển theo các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng trong/xung quanh KKT, vấn đề môi trường, xã hội, an ninh trật tự..cũng như hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng KKT ven biển; việc gia đất tại các KKT ven biển đang tăng nhanh như tại Vân Đồn, Nghi Sơn, Chu Lai, Vân Phong, Phú Quốc.. cũng cần được sửa đổi bất cập, hoàn thiện để thúc đẩy KKT ven biển phát triển.
Chú ý các mô hình tập trung, chuyên sâu để phát triển bền vững
Nhấn mạnh về bài học trong thu hút đầu tư phát triển KKT ven biển Việt Nam, chuyên gia Lê Văn Hùng khuyến nghị: “Xây dựng KKT ven biển cần gắn kết giữa các địa phương trong vùng, qua đó, phát triển hành lang kinh tế biển theo vùng. Cần chú ý tới các mô hình tập trung, chuyên sâu nhằm phát triển bền vững”.
Khu kinh tế ven biển Vân Đồn

Ông Hùng đưa ra ví dụ về việc thu hút đầu tư bằng mọi giá trong trường hợp Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dự án này đã thu hút đầu tư thông qua việc cam kết ưu đãi vượt qui định (áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trọn đời của dự án; cán bộ, công nhân viên làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân), trong khi, Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra.
Hệ quả, theo tính toán sơ bộ của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành từ cuối năm 2017 thì ngân sách nhà nước sẽ hụt thu hơn 1.300 tỷ đồng. Và từ năm 2018, khi nhà máy này nâng dần công suất, ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 10.929 tỷ đồng, năm 2019 hụt thu hơn 10.600 tỷ đồng và năm 2020 hụt tới trên 14.100 tỷ đồng.
Bài học này cho thấy, trong thu hút đầu tư phát triển KKT ven biển, cần chú ý chất lượng và hiệu quả đầu tư (đầu tư những ngành công nghệ cao, ít tiêu hao tài nguyên/năng lượng), tránh tư duy “lấp đầy”.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm