Chồng chéo thanh kiểm tra như "vòng kim cô" kiềm toả doanh nghiệp
Chiều nay 23/5, tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn thiếu của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Góp ý kiến về dự thảo luật tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhắc lại tinh thần tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với cộng đồng doanh nhân tuần trước là chia sẻ với doanh nghiệp khi phải đối diện với vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo.
Theo đại biểu Hiền, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp để phần nào giải tỏa những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như sự cần thiết phải luật hóa vấn đề này. Sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra kiểm tra làm méo mó quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước.
“Sự chồng chéo thanh kiểm tra như vòng kim cô gây kiềm toả doanh nghiệp. Dự thảo Luật cần bổ sung việc luật hóa tần suất, lồng ghép và kế thừa kết quả các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán. Cần coi đây là một giải pháp, chính sách hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp", bà Hiền nói.
Theo đánh giá của đại biểu Hiền, việc xem xét thông qua Dự án Luật này là cơ hội quan trọng để Quốc hội thể hiện sự đồng hành cùng Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc luật hóa vấn đề thanh tra kiểm tra doanh nghiệp. Bởi, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gồm cả không hành động và hành động. Điều này nhằm tiết giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần phải được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, quy định hỗ trợ về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Dự thảo còn mang tính hình thức, chưa dẫn chiếu đến các quy định liên quan nên thiếu khả thi trong thực tế. Bên cạnh đó, nội dung liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo còn chung chung, dẫn đến cách hiểu không thống nhất, thiếu tính minh bạch.
Trong khi đó về hỗ trợ tín dụng, theo đại biểu này, tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn dựa trên tài sản bảo đảm thì không khác nào chính sách cấp tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng trên thị trường, nghĩa là không có tính ưu việt hay thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính vì thế, ông kiến nghị bỏ bớt các điều kiện về tài sản, bởi theo quy định thì thậm chí các tổ chức tín dụng, cấp tín dụng cũng không bắt buộc trong mọi trường hợp cho vay tài sản bảo đảm.
Cuối buổi chiều cùng ngày, trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình một số thắc mắc của đại biểu. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Dũng hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát lại dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉnh sửa, bổ sung các quy định cần thiết, đồng thời khẳng định, chúng ta sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời nhấn mạnh, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí theo quy định và có khả năng phát triển tốt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam