Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Vietracimex 'biến' doanh nghiệp Nhà nước thành công ty của bản thân

(DNVN) - Việc chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần mà vị Chủ tịch Vietracimex Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ là sai phạm có tính bước ngoặt.

Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo số 111/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng trong việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng và trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng theo Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ​.

Ông Võ Nhật Thăng Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vietracimex. Nguồn: Internet.

Kết luận thanh tra nêu rõ, ngay sau khi Thủ tướng có Quyết định 217/2004 phê duyệt Đề án thí điểm cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Tổng công ty Thương mại và Xây dựng đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu của đề án để chuyển tổng công ty này thành công ty cổ phần theo mô hình mẹ - con từ ngày 1/1/2006.

Mặc dù đã cố những nỗ lực, cố gắng nhưng trong quá trình thực hiện đề án thí điểm, các cơ quan nhà nước có liên quan và một số cá nhân có trách nhiệm đã có những khuyết điểm, vi phạm, trong đó có những vi phạm dẫn đến làm đảo ngược mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ mà đề án thí điểm cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, đối với Bộ Giao thông vận tải, Bộ này đã thực hiện không đúng yêu cầu của đề án trong việc chuyển tất cả các công ty thành viên thành công ty con của Vietracimex; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietracimex - ông Võ Nhật Thăng, làm trái quy định trong thực hiện quyền, nghĩa vụ người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trái quy định của Luật Doanh nghiệp trong việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 3/6/2006, chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ 93,37% trong vốn điều lệ.

Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm cụ thể thuộc về lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cán bộ cơ quan có liên quan của Bộ Giao thông vận tải thời kỳ năm 2005-2006.

Đối với Tổng Công ty Đầu tư & Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đã có khuyết điểm trong việc tiếp nhận phần vốn Nhà nước không đúng thực tế từ Bộ GTVT, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Vietracimex từ khi nhận bàn giao về đến nay. Thanh tra Chính phủ khẳng định phải kiểm điểm nghiêm túc vấn đề này và trách nhiệm thuộc về lãnh đạo SCIC thời kỳ 2006-2009.

 

Đối với ông Võ Nhật Thăng, kết luận thanh tra nêu rõ, với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietracimex, ông Võ Nhật Thăng đã cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và làm trái quy định của pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/200; chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ-con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ 93,37% trong vốn điều lệ.

“Đây là sai phạm có tính bước ngoặt, làm cho tiến trình thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng bị đảo ngược, trái với mục đích, yêu cầu của đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, kết luận của cơ quan thanh tra nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ cho biết, qua nhiều lần tăng vốn liên tiếp sau sự kiện đại hội cổ đông trái pháp luật nói trên, tại thời điểm ngày 31/12/2013, ông Võ Nhật Thăng có góp vốn tại Vietracimex trên 5.164,8 tỷ đồng (theo chứng nhận đăng ký kinh doanh), chiếm 93,37 vốn điều lệ.

Từ các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, SCIC tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với từng khuyết điểm, vi phạm gắn với từng thời điểm, thời kỳ cụ thể đã nêu trong kết luận thanh tra; kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những sơ hở, bất cập, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quy trình thực hiện cổ phần hóa nói riêng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nói chung.

Giao cho Bộ kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 9 công ty, tiến hành rà soát việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không đúng quy định, xem xét trách nhiệm, điều chỉnh, cấp lại theo đúng các quy định của pháp luật.

 

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá lại việc tăng vốn điều lệ tại Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng, nếu xác định có sai phạm, vi phạm pháp luật, thất thoát vốn nhà nước thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với SCIC, Thanh tra Chính phủ yêu cầu SCIC hủy bỏ ngay các văn bản do đơn vị này ban hành và chỉ đạo không đúng đối với 9 công ty cổ phần từ khi nhận bàn giao tới nay. Khẩn trương khắc phục những sai phạm khi nhận bàn giao vốn, để nhận bàn giao vốn nhà nước và cử người đại diện phần vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời rà soát, đánh giá về việc quản lý và hiệu quả đầu tư vốn tại Vietracimex; cơ cấu lại khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật và chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phát huy hiệu quả vốn nhà nước. Nếu xác định có sự thất thoát vốn nhà nước tại Vietracimex thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nên đọc



VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo