Chuyển đổi số

5G tạo cơ hội cho startup Việt Nam nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

DNVN - Bộ TT&TT sẽ gia hạn thử nghiệm 5G trong năm 2020, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mới tham gia thử nghiệm cung cấp dịch vụ trên mạng 5G. Thử nghiệm trên mạng 5G sẽ tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Huawei thử nghiệm xe không người lái 5G tại bệnh viện thông minh Thái Lan / 5 cơ hội và giá trị mới mà công nghệ 5G mang đến cho kỷ nguyên số

Bộ TT&TT sẽ gia hạn thử nghiệm 5G

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến “Tầm nhìn phát triển 5G tại Việt Nam” do Qualcomm tổ chức vào ngày 1/7/2020, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, từ năm 2018, Bộ TT&TT đã cấp chỉ đạo các nhà mạng nghiên cứu về 5G. Đến năm 2019 Bộ TT&TT đã cấp phép cho 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone thử nghiệm 5G trên 3 băng tần 2.6Ghz, 3.6Ghz và 26Ghz tại ba thành phố HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Việc thử nghiệm được tiến hành tại các vùng phủ khác nhau, các địa bàn khác nhau và tại nhiều băng tần khác nhau. Các nhà mạng đã thử nghiệm với tốc độ tải xuống là 2Gbps, tốc độ up lên là 120Mbps, độ trễ 5,6ms. Bộ TT&TT cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G trên các băng tần khác 700Mhz, 2600Mhz

Bộ TT&TT đã nghiên cứu xây dựng các chính sách, đề ra lộ trình cần phải chuẩn bị như thế nào để có thể chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G. Đối với việc quy hoạch băng tần cho 5G, đến nay băng tần “kim cương” 700Mhz đã được quy hoạch 5G, sắp tới các băng tần khác như 2600Mhz, 2.6Ghz, 3.6Ghz và 26Ghz cũng sẽ được quy hoạch cho phát triển 5G.

Dựa trên các lộ trình phát triển 5G và quy hoạch băng tần, các nhà mạng sẽ có phương án để chủ động xây dựng được thiết kế mạng 5G của mình, đồng thời thiết kế các dịch vụ cho phù hợp với đặc tính sử dụng đa dạng của người dùng, các dịch vụ mới mang lại cá thể hóa cho từng nhóm khách hàng khác nhau. Trong thời gian tới việc thử nghiệm sẽ được các nhà mạng nghiên cứu tiến hành trên các hệ sinh thái 5G, từ đó đưa ra được các mô hình kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh thử nghiệm của các nhà mạng trong cung cấp hạ tầng dịch vụ, thì ở Việt Nam việc thử nghiệm 5G còn có sự tham gia của các hãng sản xuất thiết bị tại Việt Nam. Các nhà sản xuất thiết bị có cơ hội thử nghiệm trên mạng thử nghiệm 5G của Việt Nam cùng với các nhà mạng. Thời gian qua, các thiết bị do các Tập đoàn Viettel, Vingroup sản xuất được đưa vàothử nghiệm trên mạng 5G cho người sử dụng. Các thiết bị IoT như y tế từ xa được thử nghiệm đưa cho người dùng thực tế tại Việt Nam.

“Đây là các lĩnh vực mới trong đợt thử nghiệm 5G lần này”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.

Chia sẻ về tầm nhìn phát triển 5G, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, do đó sẽ tiên phong thử nghiệm các mô hình công nghệ mới. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia mới được phê duyệt đặt mục tiêu tới năm 2025 mạng băng rộng cáp quang phổ cập đến 85% hộ gia đình, mạng 5G phổ cập ở Việt Nam, việc phát triển 5G có vài trò rất quan trọng trong việc phát triển quốc gia số.

Ba nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 5G ở 3 thành phố lớn.

Ba nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 5G ở 3 thành phố lớn.

“Năm 2020 việc thử nghiệm 5G sẽ tiếp tục được gia hạn, đồng thời Bộ TT&TT sẵn sàng tiếp nhận thử nghiệm của các doanh nghiệp mới. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho nhóm người dùng cuối, tiến tới việc cung cấp dịch vụ có phí tới nhóm những người sử dụng dịch vụ 5G”, ông Nguyễn Phong Nhã cho hay.

Đặc biệt, chương trình thử nghiệm trên điện thoại thông minh rất quan trọng, hiện nay Việt Nam đã có chủ trương cho các nhà mạng chuyển đổi dần các điện thoại thế hệ cũ, không còn phù hợp sang dùng điện thoại thông minh, khai thác hiệu quả chi phí đầu tư, dần dần dừng không sử dụng công nghệ di động không còn phù hợp. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển 5G, bao gồm: Cấp phép 5G, thúc đẩy các dịch vụ nội dung trên nền tảng 5G, cơ chế phát triển nhà mạng ảo (là các nhà mạng sử dụng nền tảng của nhà mạng được cấp phép để cung cấp dịch vụ của mình).

Bộ TT&TT cũng đồng hành cùng chương trình Make in Vietnam, trong đó mạng 5G sẽ sử dụng các thiết bị do doanh nghiệp trong nước sản xuất, các doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp thiết bị 5G cho Việt Nam tiến tới cung cấp gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Qualcomm khuyến cáo Việt Nam nền dùng băng tần cao mmWare để phát triển 5G

Trong thời gian tới, Cục Viễn thông là cầu nối để giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để các doanh nghiệp thử nghiệm, triển khai ứng dụng các sản phẩm.

Lãnh đạo Cục Viễn thông đề nghị Qualcomm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về chipset, bản quyền để sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị đầu cuối. Việc hỗ trợ này nhằm sớm đưa chương trình chuyển đổi điện thoại thông minh của Việt Nam thành công sớm. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội sản xuất các thiết bị IoT được ứng dụng rộng rãi ở nông thôn, y tế, điện lực, nông nghiệp. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia sản xuất các thiết bị cho chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, công nghệ 5G tạo ra một cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp viễn thông, tạo ra nguồn kinh doanh mới, doanh thu mới cho các công ty công nghệ. Với công nghệ 5G, các công ty sẽ triển khai dịch vụ siêu băng rộng, IoT có thể dùng nhiều sẽ tạo cơ hội để cung ứng hàng tỷ thiết bị. 5G với độ trễ thấp sẽ tạo ra các dịch vụ mới mà 4G chưa làm được như: Y tế thông minh, ô tô tự lái, đây là lĩnh vực mới mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp di động và công nghệ. Vai trò của điện toán đám mây được dùng, đổi mới liên tục qua công nghệ 5G.

Ông Thiều Phương Nam cũng cho hay, 5G sẽ được triển khai trên nền tảng 4G, hai thế hệ di động sẽ tồn tại cùng nhau trong một thời gian dài. Đến nay chuẩn 5G đã được ITU thông qua, Qualcomm đóng góp lớn cho việc xây dựng chuẩn 5G, với tính năng mới triển khai các dịch vụ tốc độ cao trên băng tần cao, những dịch vụ mà trước đây 4G chưa làm được. Tới đây, các phiên bản 5G sẽ được đưa vào triển khai. Ngành viễn thông sẽ phát triển mạnh từ kiến trúc mạng RAN radio truyền thống sang mạng RAN ảo, việc đầu tư cho mạng 5G giảm đi nhiều, nâng cấp phần mềm sẽ nhanh hơn. Mạng RAN ảo hóa đã triển khai trên thực tế ở nhiều quốc gia như Nhật Bản triển khai RAN ảo hóa trên diện rộng, Việt Nam cũng đã có mạng di động ảo.

Việc triển khai 5G trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, tất cả các quốc gia, châu lục đều có nhà mạng chính thức cung cấp 5G. Trên thế giới đã có 380 nhà mạng bắt đầu đầu tư vào công nghệ 5G, 97 quốc gia đang đấu thầu băng tần cao cho 5G. Ở băng tần thấp 3.5Ghz có 140 nhà mạng triển khai và 43 nhà mạng đã được thương mại hóa 5G.

Lĩnh vực thiết bị đầu cuối cho 5G cũng được sản xuất rất nhiều kể cả điện thoại, thiết bị IoT đã có 375 thiết bị 5g được ra đời, hiện các thương hiệu lớn về điện thoại, nhiều thiết bị đầu cuối đều hỗ trợ cho 5G.

Lãnh đạo Qualcomm cũng khuyến cáo Việt Nam sử dụng băng tần cao mmWare triển khai 5G. Qualcomm nhấn mạnh tầm quan trọng băng tần cao mmWare hỗ trợ các trải nghiệm di động mới, tốc độ tương đương truyền dẫn cáp quang, có độ trễ thấp, dung lượng lớn cho các gói dữ liệu không giới hạn, chi phí trên 1 bit thấp.

5G sẽ tạo nền tảng cho các thành phần kinh tế có thể sáng tạo, cung cấp dịch vụ

Việt Nam sẽ là 1 trong những quốc gia đầu tiên triển khai 5G, theo ông Nguyễn Phong Nhã, các nhà mạng thiết lập một hạ tầng mạng 5G là tạo ra 1 nền tảng cho các thành phần kinh tế có thể khai thác cung cấp dịch vụ trên nền tảng đó. Đây là các cơ hội cho các startup công nghệ sáng tạo ra các dịch vụ mới, cung cấp dịch vụ với tính năng đặc biệt của 5G. Các công ty khởi nghiệp sẽ tìm ra cách đi mới cho bản thân doanh nghiệp mình, quá trình đổi mới sáng tạo sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi 5G triển khai trên thực tế. 5G cũng tạo ra các cơ hội kinh doanh các dịch vụ mới cho các nhà mạng. Cơ hội cung cấp các dịch vụ mới đi theo 5G rất đa dạng và tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế. các cơ quan quản lý cần có đổi mới để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Đổi mới đi sau 5G rất đa dạng và nhiều cơ hội cho mọi thành phần kinh tế.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, để phát triển thành công chiến lược Make in Vietnam, Việt Nam cần cải cách chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng cơ chế sandbox cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Đây là cơ hội tốt cho khởi nghiệm tham gia vào chiến lược Make in Vietnam. Mạng viễn thông Việt Nam sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về mặt công nghệ, hạ tầng để các doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm các sản phẩm mới như ứng dụng Big Data, AI, đặc biệt là chiến dịch thử thách sáng tạo của Qualcomm sẽ tạo cơ hội hỗ trợ các sản phẩm đặc biệt, thúc đẩy triển khai dịch vụ 5G ở Việt Nam.

Việc thử nghiệm các sản phẩm công nghệ mới trên mạng viễn thông Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện các sản phẩm của mình, giúp các doanh nghiệp Việt có thể nhanh chóng đưa sản phẩm cung ứng ra các nước, có thể nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị công nghệ cao cho thế giới.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo