Chuyển đổi số

Bộ TT&TT lên phương án tắt sóng di động 2G và 3G, điện thoại 'cục gạch' sắp hết thời

Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, Bộ TT&TT có kế hoạch sẽ hoàn thiện phương án, lộ trình tắt sóng 2G và 3G, dự kiến công bố trong quý 4/2019.

Bộ TT&TT đang lên phương án và lộ trình tắt sóng di động 2G và 3G.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6/2019, tổng số máy điện thoại di động của Việt Nam là 134,5 triệu thuê bao. Trong đó, số máy điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là 51,1 triệu thuê bao. Như vậy số thuê bao 2G còn khoảng 83,4 triệu thuê bao.

Bộ TT&TTđang cân nhắc việc quyết định về lộ trình tắt sóng công nghệ di động mặt đất 2G, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 vì không còn phù hợp với sự phát triển của mạng viễn thông. Với việc tắt sóng 2G thì hơn 83 triệu thuê bao 2G hiện tại sẽ chuyển sang sử dụng điện thoại smartphone để thu sóng 3G hoặc 4G.

Việc tắt sóng công nghệ di động mặt đất 2G để tăng hiệu quả sử dụng phổ tần, đáp ứng nhu cầu về phổ tần ngày càng gia tăng của doanh nghiệp di động. Ngoài ra, việc dừng công nghệ di động mặt đất 2G cũng giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế trong vận hành mạng lưới của doanh nghiệp bởi công nghệ càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng.

Hiện nay trên hạ tầng mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất gồm: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE – A (4G) triển khai từ năm 2016. Các nhà mạng cũng đang triển khai thí điểm phát sóng mạng 5G ở Hà Nội và TP.HCM.

Tại Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ TT&TT nghiên cứu. 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia”.

Mạng 2G là mạng có tuổi thọ lâu đời nhất ở Việt Nam. Năm 1993, mạng di động 2G đầu tiên chính thức được MobiFone khai trương. 16 năm sau vào cuối năm 2009, mạng 3G mới xuất hiện. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng đã nghiên cứu lộ trình để tắt sóng mạng 3G sớm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ở thời điểm hiện tại Việt Nam mới đề cập đến việc tắt sóng 2G hay 3G là muộn, bởi các nước trên thế giới đã công bố việc tắt 2G hay 3G cách đây từ 10 năm, trong đó các nước châu Âu thì còn sớm hơn.

Dự kiến lộ trình tắt sóng 2G hoặc 3G tại Việt Nam không phải tắt ngay sau khi Bộ TT&TT chính thức tuyên bố lộ trình tắt sóng, mà thời điểm chấm dứt có thể là 2025 hay 2027 hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch tắt sóng 2G/3G là để doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch và người dùng cũng có thời gian để chuẩn bị.

Lý do phải có kế hoạch tắt sóng 2G/3G vì tài nguyên tần số có giới hạn trong khi các công nghệ mới lại liên tục phát triển, do đó việc tắt sóng là để có tần số để phát triển các công nghệ mới.

Các nhà mạng hiện có tới 3 công nghệ, và tới đây có 5G nữa là 4 công nghệ (2G, 3G, 4G và 5G). Với 4 công nghệ này, ở cùng một khu vực, nhà mạng phải đầu tư 4 BTS (trạm phát sóng) trong khi thực chất với một thuê bao chỉ có mỗi một nguồn tiền thu được, như vậy bản thân doanh nghiệp cũng khó có thể sống được nếu duy trì cả 4 công nghệ trên hạ tầng mạng của mình.

Mạng di động 2G cung cấp dịch vụ thoại và nhắn tin, còn 3G bao gồm cả thoại và data nhưng tốc độ data chậm hơn, còn với mạng 4G chủ yếu là data tốc độ cao. Về data thì mạng 4G có tốc độ tốt hơn 3G rất nhiều nên có thể thay thế cho 3G. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng lựa chọn dùng 4G để thay cho 3G và do vậy việc tính toán tắt 3G có thể còn sớm hơn cả 2G.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo