Các bệnh viện phải chủ động triển khai thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt
DNVN- Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bằng nhiều hình thức thanh toán điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như: Thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử.
Nữ bác sĩ xăm trổ đầy mình làm điều chưa từng có trong ngành y tế / Ngăn chặn hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Ngày 20/9/2019, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu, đồng thời tổ chức Lễ khai trương Cổng hỗ trợ thanh toán điện tử y tế: https://hotrothanhtoanyte.vn/
Các bệnh viện phải chủ động triển nhiều hình thức thanh toán điện tử
Hội nghị tập trung vào 4 nội dung, giải pháp chính sau: Thứ nhất, quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Thứ hai, từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị. Xây dựng và hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện để có thể kết nối thanh toán viện phí với phần mềm của các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán theo quy định.
Thứ ba, các bệnh viện phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như: Thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử. Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.
Thứ tư, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt niềm tin vào việc triển khai thành công thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, bởi lẽ thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt. Đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi. Thanh toán trực tuyến cho phép người dân tiếp cận và thanh toán không chỉ trong nước mà ngay cả với thị trường toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông, phổ biến để người dân thay đổi thói quen không dùng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Lễ khai trương Cổng hỗ trợ thanh toán điện tử y tế: https://hotrothanhtoanyte.vn/
Ngân hàng, ví điện tử phải có chính sách riêng hỗ trợ cho thanh toán chi phí y tế
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tích cực phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, bảo đảm an toàn thông tin, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ đối với các thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử phải kết nối liên thông với nhau, tạo điều kiện dễ dàng kết nối với người dân và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Y tế để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán điện tử trong bệnh viện, xây dựng các chuẩn QR code y tế, chuẩn kết nối phần mềm ngân hàng và phần mềm quản lý bệnh viện.
Theo Cục CNTT Bộ Y tế, ngành Y tế trong thời gian qua đã tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa Y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh, là nền tảng để triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không sử dụng tiền mặt.
Theo đó, Cục CNTT đã nêu 4 giải pháp kỹ thuật cho thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện gồm: Bộ Y tế sẽ quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế, cũng như xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện – HIS, xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS và xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.
Qua thực tế ở các bệnh viện có hai điểm nghẽn chính trong thanh toán điện tử cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, do đó Bộ Y tế sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét nội dung này. Thêm vào đó người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử cũng là một rào cản, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.
Bộ Công thương hỗ trợ Bộ Y tế 15 triệu thẻ khám bệnh thông minh
Tại Hội nghị, Bộ Công thương công bố hỗ trợ triển khai cùng Bộ Y tế 15 triệu thẻ miễn phí trong chương trình “Một thẻ Quốc gia”. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã trao cho ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế 15 triệu thẻ trong chương trình “Một thẻ quốc gia” để triển khai “Thẻ khám bệnh thông minh”, nhằm hỗ trợ người bệnh và các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thẻ khám bệnh thông minh hỗ trợ tối đa người bệnh trong việc đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến, lưu trữ hồ sơ người bệnh trực tuyến, tích hợp với các ngân hàng để thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, tích hợp thanh toán ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội trọng yếu, giúp người dân được hưởng các nền tảng ứng dụng các tiện ích của công nghệ số, thương mai điện tử và y tế số.
Chương trình “Một thẻ quốc gia” là giải pháp thẻ đa ngành, đa dịch vụ trong đó đã triển khai tích hợp với các dịch vụ của ngành y tế, khám chữa bệnh bao gồm: Đăng ký khám từ xa, tiếp đón điện tử, thanh toán điện tử, tích hợp với các tiện ích sử dụng khác như thẻ cán bộ, nhân viên, vé tàu, xe điện tử, thẻ mua hàng, ưu đãi giao dịch thương mại điện tử.
Nhật Xuân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo