Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ số trong cải cách quy định kinh doanh
DNVN - Theo TS. Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cải cách thể chế, nhiều công cụ số hữu ích chưa được sử dụng ở Việt Nam để đẩy mạnh cải cách, thực thi quy định kinh doanh (QĐKD) và dịch vụ hành chính công. Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm tốt trên thế giới để đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong cải cách và thực thi QĐKD.
Bỏ thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ game online / Chuyển đổi trách nhiệm đối với giao dịch giả mạo liên quan đến thẻ nội địa
Tại Hội thảo "Khung đánh giá nỗ lực cải cách QĐKD và giải pháp công nghệ phân tích dữ liệu" do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, TS. Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cải cách thể chế cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng chính phủ số và đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, mức độ phát triển Chính phủ số của Việt Nam còn thấp.
Năm 2020, Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thailand, Brunei và Philippines. Nhiều công cụ số hữu ích chưa được sử dụng để đẩy mạnh cải cách và thực thi quy định kinh doanh và dịch vụ hành chính công. Lợi ích mà công nghệ số đem lại là rất lớn và Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm tốt trên thế giới để đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong cải cách và thực thi quy định kinh doanh.
Dịch vụ công trực tuyến tích hợp
Đối với cung cấp dịch vụ công, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Anh, Australia, Ấn Độ và Canada. Tại Anh, từ năm 2012, Chính phủ Vương quốc Anh đã xây dựng trang web www.gov.uk để cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp cho người dân, doanh nghiệp (DN). Trang này đã thay thế cho gần 2.000 trang internet của các cơ quan Chính phủ khác nhau.
Các thông tin và dịch vụ được sắp xếp theo chủ đề và người dân có thể nhanh chóng xác định thông tin, dịch vụ mình cần và yêu cầu cung cấp trực tuyến tại trang này. Hàng tuần có khoảng 14 triệu lượt người vào web để tìm hiểu thông tin và thực hiện các dịch vụ công.
Tại Australia, người dân có thể lập tài khoản, đăng nhập để sử dụng hơn 900 dịch vụ công khác nhau, ví dụ như tìm việc làm, thuế, y tế, nhà ở, chăm sóc người già, bảo hiểm... Dịch vụ này là nơi nhận thông tin từ các cơ quan Nhà nước và cũng là nơi cập nhật thông tin cá nhân một lần mỗi khi có thay đổi, thay vì phải thông báo sự thay đổi cho nhiều cơ quan khác nhau.
Theo TS. Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cải cách thể chế, nhiều công cụ số hữu ích chưa được sử dụng ở Việt Nam để đẩy mạnh cải cách, thực thi quy định kinh doanh.
Trong khi đó, Ấn Độ lại dùng ứng dụng di động thống nhất cho quản trị thế hệ mới. Đây là một ứng dụng dịch vụ công đa kênh, đa dịch vụ với 20 nghìn dịch vụ, có sự tham gia của 265 bộ, ngành. Hơn 38 triệu tài khoản và đã thực hiện hơn 2 tỷ giao dịch.
Còn với Canada, trang web bizpal.ca giúp doanh nghiệp tìm kiếm các quy định, thủ tục doanh nghiệp cần thực hiện khi muốn kinh doanh trong một ngành, lĩnh vực và tại một địa phương cụ thể. Có cả quy định chung như đăng ký kinh doanh và quy định chuyên ngành như giấy phép bán rượu hay giấy phép bán thuốc lá.
Công nghệ blockchain
Đối với quản lý, cấp phép kinh doanh và cải cách quy định, Australia sử dụng nền tảng PermitMe. Nền tảng này cho phép doanh nghiệp chỉ điền thông tin một lần cho tất cả các giấy phép; các thông tin chung được tự động sử dụng lại cho các mẫu tờ khai. Tự động chọn các quy định, các biễu mẫu cần khai cho từng lĩnh vực kinh doanh và từng địa phương.
Tại Canada, với việc dùng công cụ số dựa trên công nghệ blockchain orgbook.gov.bc.ca giúp xác minh thông tin doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức có thể kinh doanh, hợp tác trực tuyến. Một thư mục trực tuyến cho phép việc tìm kiếm dữ liệu chính xác của doanh nghiệp nhanh gọn và đơn giản, rút gọn thời gian xác thực thông tin từ hàng ngày, hàng giờ xuống còn hàng giây.
Nhiều nước sử dụng công nghệ blockchain để đơn giản hóa kho quy định kinh doanh.
Nó cũng giúp cơ quan Nhà nước và khu vực tư nhân có thể xác minh thông tin quản lý nhà nước nhanh chóng và thuận tiện. Qua đó hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp ở các ngành, các cấp khác nhau.
Nền tảng đám mây
Về tham vấn phục vụ cải cách quy định: Các bộ tại Estonia sử dụng hệ thống tham vấn trực tuyến https://www.osale.ee để đăng tải dự thảo chính sách theo từng nhóm chính sách hoặc toàn văn dự thảo văn bản để lấy ý kiến. Người dân, DN truy cập hệ thống, nghiên cứu dự thảo, góp ý theo từng nhóm vấn đề hoặc toàn văn dự thảo.
Ý kiến góp ý sẽ được lưu trữ trên hệ thống để cơ quan Nhà nước tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách. Kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin khác liên quan đến hoạt động xây dựng chính sách như Hệ thống e-Cabinet (nội các điện tử) hoặc e-Parliament
(Hệ thống thông tin của Quốc hội).
Với xây dựng hạ tầng số: EU xây dựng năng lực điện toán đám mây cho các hoạt động quản lý Nhà nước. Điện toán đám mây có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các dịch vụ công có khả năng tương tác, có thể mở rộng và phù hợp với nhu cầu của dân số và DN di động muốn hưởng lợi từ thị trường kỹ thuật số đơn nhất của Châu Âu.
Còn Chính phủ Anh sử dụng GOV.UK PaaS - nền tảng lưu trữ đám mây được thiết kế cho khu vực công, cung cấp giải pháp lưu trữ cho các cơ quan để họ có thể tập trung vào dịch vụ.
Trong khi đó, Ấn Độ thành lập cơ quan định danh duy nhất (UIDAI) nhằm cung cấp các số định danh duy nhất cho công dân, được gọi là "AADHAAR". Tính đến tháng 12/2020, Ấn Độ đã cung cấp hơn 1.270 tỷ mã định danh cá nhân cho người dân, thực hiện xác thực danh tính 48,7 tỷ lần, là cơ sở để áp dụng phương pháp quản lý không giấy tờ.
Việt Nam cần đơn giản hóa kho quy định
Từ những kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ số trong cải cách quy định kinh doanh, TS. Đặng Quang Vinh đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng các quy định pháp luật nhằm làm rõ quyền và trách nhiệm của các bên khác nhau khi sử dụng công nghệ số (AI và Blockchain) trong các cơ quan Nhà nước cũng như giữa các tổ chức và cá nhân. Xây dựng quy định pháp luật về việc cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước một lần duy nhất.
Kết nối hệ thống CNTT và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực giữa các hệ thống một cửa cấp bộ và cấp tỉnh, cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng DVC Quốc gia và Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công bằng việc áp dụng giải pháp phân tích văn bản (text analytics) để xác định các quy định lỗi thời và chồng chéo nhằm đơn giản hóa kho quy định.
Cung cấp dịch vụ thông báo về các quy định mới của doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu và tuân thủ các quy định dựa trên Cơ sở dữ liệu về quy chế kinh doanh.
Ứng dụng CNTT trong tổ chức tham vấn doanh nghiệp và người dân; gửi thông tin đúng đối tượng cần tham vấn và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến.
Sử dụng các công cụ kỹ thuật số, chẳng hạn như AI, Dữ liệu lớn, tự động hóa và thiết bị bay không người lái trong việc kiểm tra và giám sát để tăng hiệu quả quản lý và giảm tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, giảm các trường hợp phân biệt đối xử và/hoặc tham nhũng...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo