Tất cả các quyết định xử phạt vi phạm giao thông đều thực hiện trên phần mềm điện tử
Từ 1/7, người dân có thể ngồi nhà nộp phạt vi phạm giao thông trên phần mềm / Từ 5/8, Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt căn cứ theo thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội
Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác an toàn giao thông”, sáng 26/12, ông Vương Ngọc Bắc, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, internet, công nghệ nano, sinh học, phương tiện mới, năng lượng mới... đặc biệt là giao thông thông minh đã và đang đem lại nhiều tiện ích; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội của Nhà nước, trong đó có công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng công an.
Thời gian qua, Cục CSGT đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, đặc biệt là việc đưa các Dịch vụ công lên cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai các hệ thống camera giám sát TTATGT trên các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác, được các cấp lãnh đạo, các bộ ngành đánh giá cao.
Hiện nay, Cục CSGT đã có các hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) như CSDL xử lý vi phạm, đăng ký xe, tai nạn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh. Các hệ thống đều được triển khai dưới dạng mô hình tập trung tại trung ương (Cục CSGT), CSGT các cấp và công an xã là đầu mối sử dụng, khai thác, thu thập thông tin để làm giàu CSDL.
“Nhìn chung các ứng dụng về CNTT đã được triển khai tại Cục CSGT đều thực hiện tốt các vai trò quản lý của đơn vị, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT; góp phần cải cách các thủ tục hành chính.
Đồng thời, đã thu thập được một lượng rất lớn dữ liệu chuyên ngành giao thông, đây chính là nguồn tài nguyên số quý giá, phục vụ đắc lực cho các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT”, ông Bắc khẳng định.
Ông Bắc cho biết, Cục CSGT luôn chú trọng xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành.
Điển hình là công tác số hóa hồ sơ và tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Việc số hóa kết quả thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đã và đang được Cục CSGT bước đầu triển khai thực hiện.
Đối với Hệ thống đăng ký xe được triển khai từ năm 2012, đến nay, Cục CSGT đã triển khai cho các phòng CSGT, công an cấp huyện và hơn 7.000 công an cấp xã để thực hiện đăng ký xe; hệ thống sử dụng dữ liệu điện tử của hải quan, thuế, đăng kiểm để thực hiện công tác nghiệp vụ đăng ký xe cũng như dịch vụ công trực tuyến.
“Hệ thống xử lý vi phạm được triển khai đến công an cấp huyện, từ tháng 3/2021 đến nay, tất cả các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy và đường bộ thẩm quyền xử phạt từ đội trưởng trở lên đã thực hiện trên phần mềm xử lý vi phạm hành chính do Cục CSGT triển khai nên dữ liệu xử lý vi phạm hành chính đã ở dạng điện tử”, ông Bắc khẳng định.
Để thực hiện triển khai các dịch vụ công, Cục CSGT thử nghiệm giải pháp datadiode để trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cục với cổng dịch vụ công Quốc gia và cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Trong đó, Hệ thống xử lý dữ liệu Giám sát hành trình của Hanel đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ lực lượng công an trong quản lý Nhà nước về TTATGT.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, vừa triển khai vừa tiếp thu để hoàn thiện nên đại diện Cục CSGT đề xuất lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để người dân hiểu và tích cực sử dụng các dịch vụ công của Bộ Công an.
Các bộ, ngành cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Đồng thời, Cục CSGT đề xuất nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường truyền và triển khai các ứng dụng nghiệp vụ CSGT đến công an cấp xã có đủ điều kiện thực hiện một số nội dung công tác tại địa phương.
“Cần phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để kết nối chia sẻ dữ liệu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vục đăng ký xe, nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính”, ông Bắc đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo